
Mục lục
Hành trình tập thói quen đọc sách
Trong bài viết trước là Hành trình cai nghiện game, mình có nhắc đến quá trình đọc sách trong thời kỳ nghiện game, về bản chất, mình thật sự không có hứng thú gì với việc đọc sách, hoặc chưa bao giờ có ý định sẽ đọc sách, nếu có cũng chủ yếu về các truyện tranh là chính thôi. Kể ra cũng có hữu duyên với thói quen đọc sách, trong lúc khủng hoảng tinh thần, điện thoại cũng bị hư, không có trò gì giải trí ngoài chơi game, rồi mình đi dạo ở siêu thị sách, lúc này chỉ là đi dạo cho vui chứ thật chất chả ham hố gì với đống quyển sách được chất lên kệ và chỉ đi mua mấy quyển sách tham khảo cho việc học hành.
Thế rồi mình thấy quyển Hồng Lâu Mộng, một tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc, thế là mình mua thử một quyển về đọc, không hiểu sao càng đọc càng lôi cuốn mình vào thế giới mà tác giả Tào Tuyết Cần đã khắc họa, thế là kể từ đó mình tập dần việc đọc sách mặc dù chả thích thú gì cả.
Thực chất, Hồng Lâu Mộng không phải là quyển đầu tiên mình đọc, quyển đầu tiên mình đọc là truyện ma của Người Khăn Trắng, truyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn và Khách Sạn Thủy Tiên, nhưng đó chỉ là thích thú về thế giới kinh dị và muốn tìm hiểu là chính chứ không hề đem lại bất kỳ sự hứng thú nào về việc đọc truyện cả. Nói cho đơn giản hơn là mình không có nhận thức về việc đọc sách như thế nào, ngay cả về sau có thói quen và bỏ dần game cũng vậy, nhưng về sau quan tâm tới sức khỏe lẫn tinh thần nên tìm hiểu việc thói quen sẽ ảnh hưởng thế nào với con người, thế là mình bắt đầu nhận thức rằng việc đọc sách ảnh hưởng lớn trong đời mình.
Sau khi đọc các lợi ích của nó, mình cảm thấy may mắn vì có một thói quen rất tốt mà đem lại lợi ích cho việc tăng nhận thức, tuy nhiên đọc là chưa đủ, với việc viết lách là quan trọng thứ hai để tiến thêm nhận thức mạnh mẽ và là thứ quan trọng cần làm đối với mình, nhưng xin hãy kể hành trình viết lách này sau nhé. Việc quá trình đọc sách không ít gây khó khăn, dù thời điểm này chưa nhận thức được việc đọc sách như thế nào và thói quen đọc sách sẽ đem lợi ích gì cho bản thân, mà chỉ đơn giản bản thân cảm thấy hay và có thể đi vào trong thế giới tưởng tượng dễ hơn, cũng như cảm thấy bản thân hợp với việc đọc sách. Trong việc khó khăn thì rất nhiều, cụ thể hơn mình xin kể ở dưới đây.
Những khó khăn khi đọc sách
Để bước vào hành trình có thói quen đọc sách, mình phải trải qua giai đoạn khó khăn mà dưới đây sẽ đề cập tới, nhưng trước tiên để có thói quen mới, bộ não sẽ là nguyên nhân cản trở lớn để lập thói quen, vốn dĩ các dây thần kinh đã thiết lập sẵn nơron để truyền thông tin cho nhau ít năng lượng nhất, chính vì vậy chúng ta luôn hành động với thói quen đã được thiết lập sẵn có của bộ não, và khi thiết lập các thói quen hoặc hành động tốn năng lượng chúng sẽ gây ra nhiều thứ khó chịu để cản trở chúng ta có một thói quen mới.
Chính vì vậy không có gì không thể có một ý chí lớn hoặc chiến thuật tằm ăn dâu để dần dà thay đổi trong chúng ta. Tuy nhiên ở dưới đây là những khó khăn mình trải qua trong thời kỳ đổi mới mà hẳn nhiên các bạn sẽ mắc phải.
Lười biếng
Lười biếng thì ai cũng mắc phải, và hẳn nhiên lười biếng thì luôn luôn là nỗi ám ảnh cho người lập thói quen mới, nhất là việc đọc sách, nó không chỉ đơn thuần xuất phát từ việc nơron cản mà từ trong việc cuộc sống đã quá mệt mỏi với chúng ta do đó khi tập thói quen mới là một điều khó khăn. Trong việc đọc sách, lười biếng khiến cho chúng ta ngại lật trang sách và nhìn nó như một vật ngoài hành tinh, rồi chỉ biết thở dài.
Để vượt qua sự khó khăn này, thì việc đầu tiên mình làm là cứ đọc vài dòng, vài chữ đân dần tăng lên, theo kiểu tằm ăn dâu và lâu dần bộ não sẽ thích ứng được với dòng chữ, và ngày nay mình có khả năng đọc được rất nhiều trang sách trong một ngày.
Trì hoãn
Hẳn nhiên ai cũng từng cơn trì hoãn liên tục, kiếm cớ này hay cớ khác để trì hoãn việc đọc, nếu như lười biếng đọc là nguyên nhân mình không thể bắt đầu vào thế giới của tác giả thì đối với trì hoãn là thứ ngăn cản mình đi vào thế giới tưởng tượng.
Để trị căn bệnh trì hoãn này cũng giống như ở trên, phải có ý chí để ép bản thân đọc, đó là chưa đủ với trì hoãn, cần phải có ý chí đặc biệt để gạt căn bệnh trì hoãn đang quyến rũ bộ óc để không làm gì với mọi hoạt động.
Không có thời gian
Nghe có vẻ hơi oái oăm đúng không? Cảm thấy không có thời gian để đọc là nguyên nhân thứ ba để không muốn đọc, nó tương tự với trì hoãn là khi cuộc sống của mình quá bề bộn, rồi cảm thấy ngột ngạt tất cả, do đó mình có thể lấy lý do không có thời gian để thoái thác cho việc đọc sách.
Dễ buồn ngủ vì nhàm chán
Hầu hết đại đa số mọi người điều đưa ra cho việc không đọc sách chính là việc sách quá nhiều chữ dẫn đến nhàm chán và buồn ngủ. Việc này mình cũng thường xuyên bị nhưng dần dần theo thời gian cũng không còn cảm giác gây xao loãng này nữa.
Quá khó hiểu so với tần sóng bộ não
Mình đã chọn những quyển sách quá mức đọc hiểu của mình, nó vượt quá tầm hiểu biết hay là ngôn từ khó hiểu quá chuyên môn, những quyển sách kén đọc như thế sẽ gây ra nhiều khó khăn trong quá trình đọc sách, do đó mình đã chọn quyển sách dễ đọc, dễ hiểu, nếu có đọc thì hẳn nhiên sẽ chọn độ khó vừa phải với mình.
Đọc làm mờ mắt
Ừ thì đây là nguyên nhân dẫn đến phải đeo kính, một phần do đọc chữ vào buổi tối lờ mờ và thiếu hoạt động ánh sáng, hơn nữa cũng do cơ địa của mỗi người dẫn đến cận, dẫn đến ngại đọc sách nhiều hơn là muốn đọc sách, để qua giai đoạn mờ mắt là mình cố gắng đọc khống quá tập trung là 30 phút, sau đó nghỉ vài phút hoặc hơn, sau đó tiếp tục đọc nên tới bây giờ không mang theo kính vì đọc sách nữa.
Đọc thấy nhức đầu
Hầu hết mọi người và mình cũng gặp phải tình trạng này khi đọc trong thời gian dài, một phần vì đọc liên tục không nghỉ ngơi, một phần nữa là đầu óc chưa thích ứng được việc đọc sách, dẫn đến chưa có thói quen mà đọc thấy đau đầu trong thời gian đọc liên tục mấy tiếng đồng hồ.
Để tránh tình trạng diễn ra thì tốt nhất là đọc giãn cách, cứ đọc 15 20 phút thì ngừng, nghỉ ngơi 5 phút hay 10 phút rồi đọc tiếp, cứ như thế mình đã cải thiện việc đọc sách liên tục mà không bị chứng nhức đầu nữa.
Muốn nôn chữ
Đây là hậu quả việc đọc quá nhiều, dẫn đến tình trạng bộ não quá tải sau khi đọc chữ của sách mà không hề có bất kỳ hoạt động “thải” chữ ra ngoài, ban đầu mình tập đọc sách thường hay xảy ra trận buồn con chữ thường xuyên, về sau mình mới biết được rằng việc đọc nhiều chữ đôi khi do bộ não chưa thích ứng được con chữ quá nhiều mà cần một thời gian ngắn để tiêu thụ con chữ này.
Để giải quyết cho trường hợp này mình phải viết toàn bộ những gì trong đầu ra bên ngoài, đây là hành trình viết lách lâu dài để có thói quen đọc sách mà không bị quá tải lẫn việc có thể luyện tập cho bộ não dẻo dai hơn bình thường trước khi không đọc. Cũng như việc khi quá tải con chữ, mình sẽ ngừng đọc sách thời gian, sau khi đã tiêu thụ con chữ rồi mình lại tiếp tục đọc cho tới khi nào quá tải, cứ như thế sẽ tạo ra sức dẻo dai của bộ não.
Lợi ích của việc đọc sách
Hầu như bạn chỉ cần gõ từ khóa “lợi ích đọc sách” là ra hàng đống các trang web, blog cá nhân đề cập, viết, và hầu như chúng na ná nhau về khoản nội dung vì điều này được copy, chứ chưa hề có một chứng thực nào trong các lợi ích đó. Riêng với bản thân, thì trải qua nhiều sóng gió nhất định và quả thực lợi ích mà sách đem lại cho bản thân thì không thể bàn cãi được, dưới đây là lợi ích từ sách đem lại cho mình. Hãy lưu ý rằng, các bạn hãy thực hiện trải nghiệm từ cuộc sống song hành với đọc sách và lẫn việc chuyên môn của bạn, nếu không bạn sẽ trở thành một con mọt sách và dễ dàng bị các truyền thông dắt mũi nhé, mình không khuyến khích bạn tôn thờ sách như tôn thờ tôn giáo bạn theo, mà xem nó như một người bạn giúp và nâng đỡ bạn trong cuộc sống chứ không phải là một con người chạy theo các quyển sách và chìm đắm trong trí tưởng tượng.
Tăng trí nhớ
Dĩ nhiên bạn sẽ chẳng nhớ được toàn bộ tiểu thuyết hay truyện nào đó, rồi lúc nào đó bạn sẽ quên sạch, chỉ nhớ mang mác là nói về nhân vật nào đó khi nhắc đến tựa đề của tiểu thuyết, nhưng ít nhất bạn sẽ nhớ được điểm chính của câu chuyện và càng tích tụ dần dẫn đến bộ não phải ép chính bản thân nó tăng cường để tiếp tục nhớ nữa.
Đợt xa xưa mình là kẻ hay quên, làm gì thì quên đó, sau khi đọc sách theo năm tháng thì việc trí nhớ cũng cải thiện đáng kể dù giờ đây tuổi cũng gần chạm tới tuổi ba mươi rồi, không còn như hồi đang vị thành niên, lúc đó sẽ cải thiện nhiều hơn sau trưởng thành. Nói chung mình nhận ra điều này rõ rệt nhất hơn các vấn đề khác và công nhận đọc sách mang lại lợi ích này.
Bớt stress
Có nhiều thứ để chúng ta bớt stress hơn, nhưng riêng với đọc sách, đã giúp mình vừa cải thiện trí nhớ, vừa giúp mình bớt stress nhiều hơn, cụ thể là các giai đoạn căng thẳng và suy nghĩ quá nhiều dẫn dến bộ não của mình quá tải, cũng không thể làm gì để bớt stress hơn, tuy nhiên đến với đọc sách vừa mở rộng kiến thức lại vừa giúp mình bớt căng thẳng sau khi đọc các truyện và dòng chữ.
Cải thiện ngôn ngữ và giao tiếp
Quả thực mình kém giao tiếp và ngôn ngữ đến mức mình không thể tin nổi là mình có thể nói được từ ngữ và lời nói tệ đến mức không tưởng tượng được, nhưng việc đọc sách đã phần nào cải thiện từ ngữ và giao tiếp để tránh tình trạng nói sai lại dẫn tới hiểu lầm tai hại giữa đôi bên, suy nghĩ trước khi thốt ra là nhờ phần lớn đắm chìm vào cả đống chữ.
Tăng khả năng nhận thức
Nếu như bạn đọc đủ số sách có giá trị cao, mình khẳng định nhận thức bạn sẽ cao hơn mọi người rất nhiều, với nhận thức là điều quan trọng trong cuộc sống, nếu như không có nhận thức cao, hẳn nhiên bạn sẽ thua thiệt và trở nên một thằng khùng hoặc dở hơi, thiếu chín chắn với việc trưởng thành chẳng còn mà ở mãi tuổi trước 18 tuổi mà thôi. Do đó, việc đọc sách không chỉ tăng nhận thức lớn về hình thức trí não lên một tầng cao mà còn giúp cho mọi suy nghĩ có được củng cố về kiến thức.
Bệnh đọc khi đọc sách
Thường thì sau khi chúng ta có thói quen đọc sách, nhưng lại mắc bệnh của người đọc sách, thường đa số chiếm tỷ lệ cao, là đọc cho thật nhiều mà không ngẫm hoặc là đọc nhiều vô tội vạ, vớ cái nào đọc cái đó, mua sách rất nhiều nhưng không đọc quyển nào và cứ vung tiền mua sách mới chủ yếu khoe khoang là chính và chán đọc khi đọc quá nhiều chữ.
Đọc nhưng không ngẫm
Hiệu ứng của việc đọc sách chính là đọc rất nhiều con chữ nhưng không ngẫm, trải nghiệm, học hỏi, giao tiếp, thực hành và đọc lại nhiều lần, việc này mình trải qua nên cảm thấy bây giờ việc đọc thì dễ nhưng để làm được thì quả là rất khó. Thế nhưng trong mỗi tình cảnh và mục đích để đọc của mọi người tùy mục đích khác nhau nên không thể đòi hỏi việc trải nghiệm hay ngẫm nghĩ, nhưng ít nhất cũng không nên ham hố đọc nhiều vô tội vạ, chi bằng đọc 10 cuốn chỉ cần ngẫm 1 cuốn là đủ.
Mua quá nhiều sách mà không đọc
thật sự cái tính xấu của đa số người đọc sách chính là mua quá nhiều sách mà không hề đọc, tạo ra một cái hư danh là bản thân đã và đang đọc quyển sách, thậm chí là nhìn ngắm nó như thể đang tự hào, như một kiến thức trên tay của bản thân, cuối cùng quyển sách cả đống mà không hề đọc hết.
Điều này cũng diễn ra với mình, mình đã mua rất nhiều sách, đến độ mình chẳng còn xu dính túi mà cứ nhìn ngó shopee và tiki, thèm khát các quyển sách bìa cứng lẫn quyển sách hiếm của nhà xuất bản, thế nhưng về sau có khoảng thời gian mình chán đọc nên không còn ham muốn mua sách để trang trí cái tủ cả đống sách nữa. Mình ngẫm lại thì thà để tiền mua cái khác còn hơn, ý mình là cần đọc thì hãy mua, không đọc thì không nên mua, hoặc là fan hâm mộ của tác giả mà mình yêu thích thì mình mới chịu bỏ tiền ra để sưu tầm.
Chán đọc
Như mình đã nói ở trên là có thời gian mình chán đọc trong thời gian dàn, thực tình thì giai đoạn này đang bội thực chữ quá nhiều truyền vào bộ não mà không hề nghỉ ngơi, dẫn đến bộ não không thể nhồi chữ vào mà vừa cảm thấy buồn nôn, sau thời gian thì lại chán đọc, việc này là bình thường vì nếu quá nhồi nhét vào trong khi chưa tiêu thụ chữ thì sẽ dẫn đến chán đọc thôi.
Chán đọc là khi quá giới hạn của bộ não, chỉ khi nào bộ não tăng lên giới hạn việc đọc sách thì lúc đó mới không còn xảy ra chán đọc và buồn nôn chữ nữa, tuy nhiên việc này cần tính một năm đến vài năm sau mới có thể giảm bớt được. Tuy nhiên nếu bạn là người đọc sách từ nhỏ thay vì lớn lên mới đọc thì xin chúc mừng, việc đọc sách chỉ là đơn thuần giải trí với bạn mà không hề xảy ra hiện tượng trên.
Kết quả cuối cùng sau quá trình đọc sách
Mình bước chân vào việc đọc sách là năm 2013, là thời điểm mình về nhà phụ giúp gia đình như trong bài hành trình cai nghiện game đã nói, thời điểm này đọc sách cực kỳ chậm, cực kỳ chán và cực kỳ muốn buông bỏ, thế nhưng, mỗi lần mình bỏ đọc là thường bỏ sách vào trước bàn làm việc, rồi nhìn nó, đâu đó trong lòng ngứa ngáy và thôi thúc mở quyển sách đọc vài ba trang, rồi lại ngưng.
Cứ như thế mình đọc hết trọn bộ sách Hồng Lâu Mộng gần 4 5 tháng, đọc xong mình lại có cảm giác muốn đọc tiếp, cứ tiếp diễn cho tới tận bây giờ mà vẫn không thể bỏ được thói quen này, nếu không đọc vài ba hôm là mình cảm thấy khó chịu và cảm thấy thiếu thứ gì đó mà mình không làm.
Nhìn chung việc đọc sách mang lại lợi ích không nhỏ và giới trí thức không phải vô cớ mà khuyên chúng ta đọc sách một cách vô duyên, bởi nó đem lại kho tàng trí thức dù là sách ba xu hay sách tri thức. Mình thì thích sách và đọc sách trong cuộc sống hằng ngày, tất nhiên việc mắc bệnh đọc sách là không thể tránh với mình, nhưng nếu như xem việc đọc sách là giải trí là một điều tốt và né tránh được việc sùng bái sách như một thần thánh nào đó từ trên trời rơi xuống.
Mặc dù sách không phải là thứ giúp chúng ta trưởng thành trong cuộc sống, nhưng đây là một thứ giúp chúng ta tăng khả năng nhận thức và hướng dẫn biết cách lèo lái cuộc sống, lý thuyết và thực hành luôn đi đôi với nhau, khó khăn đến thì cũng phải trau dồi kiến thức để trưởng thành nhiều hơn.
Lời cuối cùng
Đây là những gì mình đã trải qua và nhận được suốt 8 năm trời, dù sao, chỉ trong thời gian này, mình đã tìm hiểu về nguyên nhân tổn thương, sự chữa lành tâm hồn thì ít nhất việc đọc sách cũng mang lại kiến thức và hướng dẫn một con người đi trên một con người. Nói chung, hành trình tập thói quen đọc sách là một hành trình lâu dài, tính bằng năm và chứ không thể tính bằng vài ngày và tháng, trong quá trình đọc sách đã giúp mình thêm phát triển và trưởng thành hơn, nhất rẳng trong sự cô đơn, sách như một người bạn và giúp mình vượt qua giai đoạn khó khăn của cô đơn lẫn khó khăn cuộc sống. Đồng thời sách cũng khiến cho mình có động lực tạo ra một giấc mơ blogger, và hiển nhiên mình không muốn gì hơn là trở thành một blogger về lĩnh vực sẽ theo đuổi, nhưng đó là quá trình rất dài chứ không phải là muốn ngay là được, và mình chấp nhận thời gian dài để thực hiện giấc mơ ấy.
Đây là bài viết mình chia sẻ từ trải nghiệm suốt mấy năm nay, hy vọng nó sẽ giúp bạn một phần nào đó.