
Kỹ năng
Yim Minkyung
"T.ự T.ử" gần đây đã trở thành một cùm từ được nhắc đến thường xuyên hơn bao giờ hết. Thật đau lòng khi nghe một ai đó lựa chọn rời bỏ thế gian này, nhưng chính chúng ta không biết tại sao họ lại đưa ra quyết định như vậy, cũng không biết họ đã trải qua những đấu tranh tâm lý đến nhường nào.
Hạ Chi
Mục lục
Giới thiệu
Trong thời gian vài năm gần đây dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự tử. Sự ra đi đột ngột, một cái chết lãng xẹt, sự bi cảm quá độ, khinh thường mạng sống của bản thân và bỏ mặc sau lưng sự đau đớn, day dứt tột cùng của cha mẹ, bạn bè, người thân. Một bộ phận khác, tự nhận là giàu lòng cảm thông hơn, cho rằng các trường hợp lựa chọn đến cái chết cần xét đến nguyên nhân khiến người đó không còn niềm hy vọng sống, có thể là áp lực học hành quá lớn, có thể là do tác nhân của chứng trầm cảm sau sinh. Và thường, người ta cảm thấy an tâm hơn khi quy kết những cái chết đó là do một chứng bệnh hoặc sự bất thường trong tâm sinh lý gây ra mà những người bình thường thì sẽ không bao giờ lựa chọn tự sát.
Đáng buồn thay, bản thân tôi cũng từng là một phần trong số những người mang định kiến, nhóm người chưa thực sự có kiến thức về vấn đề tự sát, cho đến khi tôi đọc cuốn sách “Tôi ước mình chưa từng được sinh ra”.
Cảm nhận:
Khi tôi đọc xong cuốn sách lần đầu tiên, cảm nhận rõ ràng nhất đó là cuốn sách này thực sự rất hay, rất cuốn hút người đọc, tính chuyên môn cao nhưng lại được diễn tả một cách rất dễ hiểu, và điều làm tôi thích nhất đó là tính ứng dụng cao của cuốn sách. Tuy nhiên, khi tôi giới thiệu nó với chồng tôi, một người đàn ông trưởng thành hơn ba mươi và cũng có sở thích đọc sách, anh lại cho rằng cuốn sách này không thực sự hấp dẫn như tôi miêu tả.
Tôi đã rất ngạc nhiên về điều đó và quyết định sẽ đọc lại cuốn sách lần thứ hai, tôi cảm thấy cuốn sách vẫn hay như khi tôi đọc lần đầu. Cuối cùng tôi nhận ra một điều cực kỳ quan trọng rằng: Giá trị của mỗi cuốn sách nằm ở việc người đọc hiểu và cảm nhận nó như thế nào. Mà để hiểu một cuốn sách, ngoài việc biết đọc chữ ra thì người đọc cũng cần có những kiến thức liên đới để thực sự hiểu những gì tác giả muốn nói. Ở đây tôi không hề có ý nói rằng nếu bạn đọc cuốn sách này mà không thích nó thì có nghĩa là bạn chưa đủ kiến thức, mà tôi muốn hướng đến việc bình thường hóa các quan điểm khác nhau về cùng một cuốn sách, giống như khi chúng ta nhìn vào các mặt khác nhau của cùng một sự việc, sự vật vậy. Hơn nữa, từng thời điểm khác nhau trong đời khi bạn đọc cùng một cuốn sách bạn sẽ thấy chính mình cũng có những cảm nhận khác nhau, điều này phản ánh trình độ nhận thức cũng như những kinh nghiệm, những trải nghiệm trong cuộc sống của bạn, những vấn đề bạn thường quan tâm. Theo tôi, đây là điều rất bình thường và cũng rất tất yếu.
Tôi sẽ không phản bác bất cứ luận điểm nào khác những phân tích dưới đây của tôi, bởi sự cảm nhận sẽ đến từ cốt lõi của mỗi con người mà mỗi người lại là một cá thể độc lập, có ý thức, nhận thức riêng. Điều tôi hy vọng là nếu bạn đọc nó mà không cảm nhận được cái hay của cuốn sách thì hãy dành cho nó một chút kiên nhẫn, một góc nhỏ bé trên kệ sách của bạn, bởi rất có thể một thời gian sau khi đọc lại nó lần nữa, cảm nhận của bạn sẽ khác.
Cuốn sách này hướng tới nhóm đối tượng nào?
Ban đầu, tôi nghĩ một cuốn sách về tâm lý sẽ tương đối khó hiểu và không phải gout của nhiều người. Bằng chứng là tôi đã mua cuốn sách tại một buổi họp sách và nó nằm trong dãy loạt sách được bán theo cân, tức là loại rẻ nhất. Và bởi vì cuốn sách còn chưa đến 200 trang nên số tiền mà tôi phải bỏ ra để mua nó chỉ mười nghìn đồng, có nghĩa là còn không bằng một hộp xôi hay một bát phở. Điều đó cũng có nghĩa đây là kiểu sách ít hấp dẫn người đọc nhất theo đánh giá của nhà xuất bản hoặc của những người tổ chức hội sách đó.
Tuy nhiên sau khi đọc cuốn sách rồi thì tôi nghĩ tính ứng dụng của nó rất cao và chúng ta nên đọc và cố gắng hiểu để có thêm kiến thức về tự sát, đặc biệt là trong giai đoạn xã hội ngày càng phát triển nhanh hơn, khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng xa và các bậc phụ huynh, giáo viên, toàn thể xã hội và tất cả các mối quan hệ giữa người với người đều rất đau đầu trong vấn đề thấu hiểu tâm lý con em mình hoặc những người thân hằng ngày sinh sống bên cạnh mình.
Lợi ích cuốn sách sẽ đem lại cho bạn
Khi đọc cuốn sách và bỏ thời gian để ngẫm nghĩ, tìm hiểu cuốn sách này, bạn sẽ nhận được những lợi ích thực tế ví dụ như hiểu được lý do vì sao các nạn nhân lựa chọn tự sát, các giai đoạn tâm lý của người tự sát, sự liên quan giữa tự sát và các chứng bệnh thần kinh và một phần nào đó cách để chúng ta hay người thân mình thoát khỏi vòng quay của tự sát.
Mặt khác, tôi thấy rằng đây là cuốn sách giúp người đọc nhận ra sự cần thiết của việc tìm hiểu về tâm lý con người, nhu cầu tìm hiểu chính bản thân chúng ta cũng như những người thân xung quanh. Cuộc đời con người vốn dĩ ngắn ngủi, nếu mục tiêu của bạn là sống trọn vẹn xứng đáng với từng phút giây thì việc tìm hiểu về tâm lý là điều rất cần thiết.
Bố cục cuốn sách:
Cuốn sách được viết dưới dạng phân tích các nhân vật, có thể là người thật và cũng có thể là một nhân vật trong cuốn sách nào đó. Tất nhiên, điểm chung của tất cả các nhân vật đều là họ đã tự sát hoặc có xu hướng tự sát.
Đầu tiên, tác giả sẽ kể sơ qua cho chúng ta hiểu về cuộc đời của mỗi nhân vật, về các mối quan hệ xã hội và những nỗi đau tâm lý, những chứng bệnh mà nhân vật đã phải trải qua. Theo đánh giá cá nhân của tôi, những câu chuyện và nhân vật được nêu không có gì là hiếm, tức là chúng ta có thể đã thấy bóng dáng của những người này thấp thoáng quanh người thân và bạn bè của chính chúng ta. Thời điểm đó chúng ta sẽ nhận ra rằng, tự sát không chỉ xuất phát từ những người “bất thường” mà còn có thể đến từ những người rất bình thường.
Tiếp theo, tác giả sẽ phân tích về biểu hiện và ý nghĩa của các biểu hiện tâm lý mà nhân vật diễn tả, giúp chúng ta hiểu sâu về nhân vật và nắm giữ được một phần những kiến thức mà các nhà tâm lý học đặc biệt quan tâm đến “tự sát” đã bỏ cả cuộc đời để nghiên cứu. Khi nhìn ở góc độ học thuật, chúng ta sẽ có đánh giá khách quan hơn, các thông tin được lưu lại dễ dàng hơn. Đặc biệt là chúng ta sẽ loại bỏ những hiểu lầm của bản thân về tâm lý, về tự sát và các chứng bệnh thần kinh.
Trích đoạn:
Tôi xin phép được trích dẫn một đoạn ngắn trong cuốn sách:
“Tôi đã định chết quách đi cho rồi. Ấy thế mà Tết năm nay, tôi đã nhận được một xấp vải từ hàng xóm. Đó là một xấp vải gai, món quà cho năm mới. Nó có những hoa văn nhỏ màu lông chuột – là họa tiết thường được mặc vào mùa hè. Vậy nên tôi đã gắng gượng cho đến mùa hè.”
Chính ra đây là một đoạn tác giả trích dẫn từ tập truyện ngắn :”Những Năm Cuối Đời” của tác giả Osamu Dazai.
Đoạn trích này đã gây cho tôi một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ bởi chúng ta vẫn thường lầm tưởng rằng những người lựa chọn tự sát là do họ cảm thấy chán đời, cảm thấy cuộc đời thật tồi tệ, không còn gì tốt đẹp,… Nhưng ngược lại, người mang tâm lý tự sát cũng có thể là một người rất yêu đời theo khía cạnh là họ vẫn cảm nhận được những niềm vui nhỏ bé, những màu sắc xinh đẹp của cuộc sống, yêu đến nỗi quyết định dời lại kế hoạch tự sát của bản thân thêm một thời gian nữa chỉ vì một xấp vải gai.