
Lúc còn nhỏ, tôi không có gì để ăn. Nhà tôi những năm anh em, tôi lại là anh cả, nên trách nhiệm của tôi là luôn để cho bầy em ăn trước rồi mới được ăn. Chiến tranh tiến dần từ ngoài khơi vào đến đất liền. Chiến tranh đi đến đâu thì chỗ đó sẽ không có gì ăn. Mấy con thú sẽ chạy đi mất, hoặc nếu chậm chân thì sẽ bị người dân ở đó giết và làm thịt để dự trữ.
Ba tôi là một người cẩn trọng và sáng suốt nên ổng đã chờ tới mùa thu mới giết hai con gà nhà mình, vì lúc đó cỏ và vỏ cây không còn ăn được nữa. Mấy nhà khác biết chúng tôi có nuôi gà, nên tối nào ba cũng phải chờ suốt đêm để canh chừng. Ba đã phải giết ít nhất một thằng bé, nó sống ở thành phố kế bên, vì nó định đốt nhà tôi bằng một cây củi cháy. Nó đói quá làm liều.
Không lâu sau đó, thịt gà cũng ăn hết, xương gà cũng đã giòn tan vì Mẹ đã dùng nấu canh quá nhiều lần. Ba mẹ sai ba đứa con cả ra đồng để bắt chuột và sâu bọ về ăn tối. Cả nhà đều đói, nhưng cũng tạm sống qua ngày. Nhưng rồi một ngày nọ, cả nhà thức dậy trong buổi sáng đầu tiên của mùa đông, và không còn con gì còn sống để bắt cả. Ba mẹ bàn chuyện cùng nhau. Không còn cách nào khác, chắc ba phải đi tới bờ biển và bán cái đồng hồ bỏ túi của ông nội cho một ông lính say xỉn thừa tiền nào đó. Trong nhà chỉ còn mỗi cái đó là có giá, nó cũng là món gia truyền duy nhất mà ba có để truyền lại cho tôi.
Tôi không muốn ba đi. Tôi sợ chiến tranh sẽ ập tới khi ba đi, mà tôi thì còn quá nhỏ, không đủ sức để bảo vệ mẹ và bầy em. Tôi xin ba đừng đi, nhưng ba nói là mọi chuyện sẽ ổn, và hứa sẽ quay lại sau hai tuần. Tôi vẫn sợ, nên khi ba mẹ ra ngoài chuẩn bị khăn gói để đi đường, tôi đã giẫm nát cái đồng hồ và bỏ lại vô ngăn kéo của cái bàn cũ nát.
Mẹ khóc suốt mấy ngày liền. Ba ráng hết sức để an ủi mẹ. Đêm đó, cả nhà phải lột da giày của ba ra để luộc ăn. Tối hôm sau, mẹ tìm thấy một con chuột chết và mẹ đã lấy băng tuyết ngoài đường để làm nước luộc chuột. Ngày hôm sau, mẹ lại nấu xương chuột bằng tuyết.
Đêm đó, thằng em Albert của tôi gào khóc vì đói, cả nhà không ai ngủ được. Nó đòi ăn những thứ mà cả nhà đã ăn hồi chiến tranh chưa tới, khi chúng tôi hãy còn một cái vườn nhỏ và còn nuôi súc vật – bò hầm, gỏi cuốn, bắp ngọt, và thịt cừu ướp mặn. Nó làm cả nhà đều đói theo nó. Tôi mắng nó và bắt nó đừng nói nữa. Mẹ lặng lẽ khóc trong phòng.
Ba phải dỗ dành thằng Albert rất lâu rồi quay vô phòng ngủ với mẹ, không quên đóng cửa lại. Thằng Albert tiếp tục nhõng nhẽo tới tận sáng. Tôi nghe tiếng ba đang ngồi sửa cái đồng hồ trong phòng. Cơn đói làm tôi không sợ chiến tranh ập tới nữa, chỉ mong sao cho ba có thể sửa được.
Ba sửa cái đồng hồ hết cả ngày hôm đó. Con bé Selia tìm được vài con dế chết trong một cái lò bánh mì bỏ hoang. Khi chúng tôi đang ngồi ăn mấy con dế thì ba bước ra từ phòng ngủ và mẹ đi theo sau. Ba cười thật tươi. Lần cuối cùng ba cười tươi như vậy là ngày con em út của tôi ra đời. Ba nói là ba đã sửa đươc cái đồng hồ của ông nội và ba nghe tin có lính đang hạ trại gần dây. “Ba ngày thôi”, ba hứa, “ba ngày thôi. Rồi lúc về, ba sẽ đem theo cà rốt, và thịt cừu, và gỏi cuốn thiệt to. Tụi con sẽ no tới năm sau!”
Tôi và bầy em vỗ tay vui sướng và chạy vòng quanh cái khoảnh sân nhỏ với niềm vui sướng xa lạ. Ba nói là tụi tôi phải tìm những món đồ thiệt đẹp để phụ mẹ trang trí bàn ăn. Sáng hôm sau, ba đưa cho mỗi đứa một cái đế giày cao su của mẹ để nhai rồi cho chúng tôi lên đường, không quên hôn mỗi đứa một cái và hứa sẽ quay lại thật sớm.
Ngày hôm đó, chúng tôi rất vui. Đứa này thì tìm được móng ngựa, đứa khác thì tìm được miểng chai. Chúng tôi xâu cái móng ngựa bằng mấy sợi rơm khô rồi treo trên bàn ăn, cột mấy miếng miểng chai ở hai đầu, trong đầu nghĩ rằng nó sẽ chiếu lung linh trong ánh đèn dầu. Cả đám chạy về nhà lúc mặt trời lặn, hạnh phúc với thành quả ngày hôm nay, và lại muốn làm tiếp vào ngày mai.
Về chưa tới nhà thì tôi đã ngửi thấy – mùi hành tây, canh gà, thịt cừu ướp gia vị, và kẹo nữa! Tôi co cẳng chạy nhanh về nhà, làm rớt luôn mấy thứ trang trí. Tôi chạy tung qua cửa và thấy mẹ đang đứng trước lò nướng, mẹ đang nấu nướng trong sự im lặng trang nghiêm. Tôi choàng tay ôm mẹ rồi hỏi ba đã về nhà chưa.
“Rồi đó con. Ba vô tình gặp được một ông lái buôn giàu có trên đường. Ổng mua lại cái đồng hồ của ông nội với giá rất cao.”
Tôi ôm mẹ chặt hơn nữa rồi ngồi xuống bàn ăn. Lũ em của tôi cũng vừa về, nó nhanh chóng chạy vô chỗ ngồi với vẻ mặt thèm thuồng. Ba từ trong phòng ngủ bước ra rồi ngồi vô cái ghế ở đầu bàn ăn. Mẹ vừa đem ra một đĩa đầy những thịt cừu ướp đã hầm kĩ. Mẹ gật đầu với bầy con và đứa nào cũng thò tay vô đĩa mà bốc, không thèm màng tới dao nĩa.
Ăn xong, ba mẹ nói chúng tôi đi ngủ, không ai nói gì từ lúc đồ ăn được dọn ra. Đêm hôm sau, cả nhà lại được ăn no, và cả hôm sau, và hôm sau nữa. Nhưng đồ ăn ngày càng thưa đi, mẹ cũng ngày càng yếu hơn. Mẹ càng ngày càng yếu, đến một ngày chúng tôi tranh nhau một miếng thịt sống cuối cùng trong khi mẹ nằm gần đó, xanh xao gầy mòn.
Đêm đầu tiên không có thức ăn lần nữa, tôi cảm thấy niềm hạnh phúc mơ mộng bắt đầu tan đi và chi tiết của những ngày gần đó trở nên khó hiểu.
Tôi nhớ món thịt cừu mà tôi đã ăn ngon lành thật ra có vị ngọt gắt gao và đó cũng là mùi kẹo mà tôi đã ngửi thấy nhưng chưa từng thấy trên bàn ăn.
Tôi nhớ rằng mẹ cũng đã không ăn gì từ ngày ba trở về; mẹ chỉ ngồi lặng lẽ bên chúng tôi tại bàn ăn, nhìn những tảng thịt xám ngoét mà chúng tôi ăn ngấu nghiến.
Còn ba, tôi cũng nhớ rằng ba đã không nói gì từ ngày ba đi tới cái trại lính kia. Đêm nào ghế của ba cũng trống. Tôi đã không thấy ba ngồi tại cái ghế đó từ hồi ba cắt cái đế lót dày của mẹ ra.
Trong cơn hoảng sợ và đói cồn cào, tôi không thể ngủ được đến tận khuya. Sáng hôm sau, khi thấy mẹ bước ra từ phòng ngủ, tôi hỏi mẹ là ba đi đâu. Mẹ nói ba đã đăng kí đi lính rồi sai chúng tôi đi lột vỏ cây trong rừng. Ba đi luôn, không bao giờ quay về.
Có lẽ lúc nhỏ tôi không nhận ra chuyện gì xảy ra là vì tôi không dám nghĩ tới đó, mà tôi cũng quá đói để nghĩ. Nhưng cách đây vài hôm, mẹ qua đời và mẹ đã cho tôi biết sự thật. Trong số những tài sản ít ỏi của mẹ, bà đã để lại cho tôi một cái hộp nhỏ. Bên trong chỉ có một cái đồng hồ bỏ túi sáng choang đã bể.
Cò lẽ mẹ muốn tôi nhớ lại: hy vọng sống sót cuối cùng của cả gia đình, mà tôi đã đạp nát dưới chân mình. Mẹ cũng muốn tôi nhớ lại cái ôm thân thương cuối cùng của ba trước khi tôi và lũ em đi tìm đồ trang trí bàn ăn. Cả món thịt xám ngoét bị nêm nếm quá tay. Và cả mùi thiu chua loét bốc ra từ phòng mẹ, càng ngày càng nặng mùi.
Sự hy sinh của ba dành cho gia đình nhiều hơn những người cha khác. Tôi đã ca cẩm trong một thời gian dài rằng ba đã không để lại gì làm di vật cho tôi. Không có vật gia truyền nào để lại cho con cái.
Nhưng bây giờ, khi tôi được thừa kế cái đồng hồ này, tôi lại không thể đưa lại cho con mình. Không phải tại vì mặt kính đã vỡ. Không phải vì bánh răng đã nát.
Tôi phải giữ cái đồng hồ này vì đó là một thứ mà tôi phải hứng chịu…vì cái đồng hồ vẫn còn vương vấn mùi ngòn ngọt gay gắt của món thịt kia.
Dịch bởi Trần Bảo Phúc