
Bàn Về Viết

Bàn Về Viết
Nội dung
Hơn một lần tôi thấy sự chật vật của những tác gia cố gắng diễn tả vẻ đẹp của sự vật bằng lời văn của mình (và chính tôi từng đối mặt với sự chật vật đó).
Cũng là người viết, (tuy không chuyên và không có kỹ năng đặc thù viết lách) tôi hiểu được phần nào cảm giác bất lực khi không thể tìm nổi từ ngữ miêu tả sự đẹp đẽ mỹ miều của sự vật/sự việc. Một dải những từ ngữ trải trước mặt, song lại không thể lựa được từ nào ngọt ngào, trau chuốt và đủ đẹp cho xứng với điều mình muốn tả (ấy là chưa kể đến những cách sắp xếp câu cú khác), đấy quả là sự buồn bực không chấp nhận nổi.
Nhưng hãy hượm đã, tôi nhìn nhận và đồng ý sự mãnh mẽ và uy quyền của những tác động do từ ngữ mang lại, song thực sự thì mối quan hệ giữa từ ngữ và hiện vật là gì? Tôi đặt ra giả định việc ta cố miêu tả một sự vật là hành động dùng từ ngữ để bủa vây và giới hạn vật đó trong không gian của từ ngữ (bởi vì mọi thứ đều tồn tại một cách tương đối, đặc biệt là với những cá nhân có sự giới hạn về ngôn ngữ).
Vậy thì việc ta gồng ép bản thân miêu tả những điều mình yêu thích (dù thật hay giả tưởng) là hành vi kìm hãm và giam cầm, nếu như ta tả đúng thì tuyệt đấy, nhưng nếu sai lệch theo hướng phóng đại hoặc khiêm tốn thì thế nào?
Mỗi lần suy nghĩ và đặt vấn đề về một chuyện, tôi tưởng tượng trước mặt mình là một cá thể thực sự, có khả năng cười nói và tư duy phóng khoáng, như một bạn đời để đối đáp cùng. Nhân vật này rất quan trọng với tôi, là một hướng tư duy khác điều chỉnh suy nghĩ của tôi để nó khách quan nhất có thể, và bằng việc cá thể hóa nó, sự độc lập tư duy của nó sẽ tăng lên, từ đó thuyết phục tôi hơn. Trong vấn đề lần này, người bạn tri âm đó đã mang đến cho tôi một giả thiết mới.
Giả thiết thứ hai được đặt ra trái ngược hoàn toàn:
“Xin anh đừng nghĩ về từ ngữ và sự vật theo hướng chủ-tớ như thế. Tôi biết anh đang ẩn dụ về sự bao hàm và nắm quyền của từ ngữ đặt lên sự vật, giống như một chiếc hộp to đựng một chiếc hộp nhỏ.
Suy nghĩ và ý tưởng của tôi vẫn chưa hình thành, nhưng hãy cố nói cho nhau hiểu. Tôi nghi ngờ về giả thiết liệu từ ngữ thưc sự là công cụ để miêu tả sự vật (và từ đó giới hạn sự vật được tả, dựa vào khả năng ngôn ngữ của người viết).
Mối liên hệ giữa từ ngữ và sự vật thật rối rắm, tôi thích nghĩ về nó như mối quan hệ giữa hai người bạn song hành cùng nhau vậy, và rất ít khả năng từ ngữ có thể hạn chế sự vật.”
Quan điểm này thật yếu ớt, thực ra nó chỉ là một ý nhỏ nhen nhóm trong khi tôi hình thành ý chính, và sau khi triển khai xong ý chính để tiếp tục nghĩ về ý nó thì tôi lại thấy nó rất kém thuyết phục (có lẽ là một loại thiên kiến chăng?).
Nhưng đúng thực mà nói tự thân từ ngữ không thể hạn chế sự vật, từ ngữ không sống, nó phụ thuộc vào nhận thức của cá nhân từng người. Ngôn ngữ sinh ra để phục vụ cho mục đích giao tiếp, song trong quá trình tiến hóa nhu cầu của con người hình thành rõ rệt, từ đó một nhiệm vụ mới cập bến đó là miêu tả sự vật quanh ta.
Trong điều kiện sống động phù hợp, trẻ sơ sinh học được 20 chữ cái mỗi ngày, sau đó mới tiến lên nhận thức về loại từ và trường hợp dùng loại từ đấy. Vậy, tạm kết luận rằng số từ ta biết phụ thuộc vào nhận thức (trong khi nhận thức từ đâu mà có, phụ thuộc vào gì lại là một câu chuyện rất dài…), điểm này đưa đến các vấn đề (mà trước mắt với “đôi mắt” và “tinh thần” yếu ớt non kém của mình tôi nhìn được 2):
- Khả năng miêu tả chân thực, phù hợp và chính xác: quá trình chuyển đổi từ một cảnh (hài hòa bởi những yếu tố chính và phụ) sang những nét chữ là phần khó khăn nhất, phản ánh chính xác kỹ năng và độ phong phú về ngôn ngữ của người viết.
Khả năng dựa vào bản miêu tả tưởng tượng ra sự vật: nhận thức của mỗi cá nhân khác nhau, vậy nên rất có thể cảnh người đọc mường tượng được trong đầu rất khác so với điều mà người viết muốn truyền tải, đây là điểm mấu chốt trong sự phong phú của tâm trí và thế giới của sự tưởng tượng. Điều này khiến tôi đặt ra câu hỏi liệu sự tuyệt đối chính xác có cần thiết hoặc bắt buộc hay không (tả A-hình dung được A).
Hai điều trên là mối quan hệ tương quan, tác động qua lại (thật dễ hiểu và chấp nhận vì các mối quan hệ cơ bản từ vật lý đến tâm thần sau cùng đều cuộn lại thành một vòng tròn). Sự giao tiếp của người viết và người đọc qua con chữ tưởng khắng khít nhưng hóa ra chẳng có gì, đây cũng là một vấn đề để dành suy nghĩ những lúc thảnh thơi (cho vui).
Vậy sau cùng tôi đã lạc đề. Từ ngữ và sự vật, “bạn bè tương hỗ” hay “chủ-tớ thống trị”, cuối cùng thì không có câu trả lời nào cả, đã thế tôi còn đặt ra một đống những câu hỏi nhỏ khác, lấp la lấp lửng những dở dang, thật là vô trách nhiệm.
Đấy là một trong những đoạn đường thuộc mê cung suy nghĩ của tôi (nằm bên cạnh là kho kiến thức quy mô nhỏ), tôi lòng vòng và băn khoăn, đặt ra giả thiết lại không chắc chắn, nhưng chính sự không chắc chắn này theo tôi đánh giá lại là chìa khóa cần thiết cho sự học.
Bởi vì bản chất của việc học chính là tự học, động lực để học vốn chỉ là một chuyện nhỏ, mà chính quan điểm và tinh thần khi tiếp xúc kiến thức mới chính là chuyện lớn.
Với một quan điểm lấp lửng, không có thành kiến và thái độ cứng nhắc, tôi dễ dàng tiếp xúc kiến thức mới, khó chịu với chính bản thân về những hiểu biết nông cạn của mình sẽ dẫn đến hành vi tìm kiếm câu trả lời; thái độ ỡm ờ tạo ra một tâm thế rộng mở đón chào kết luận mới (thậm chí trái ngược hoàn toàn với nhận định của bản thân).
Thực vậy, bên cạnh động lực, tinh thần cầu thức chính là điều quan trọng thứ yếu. Không có chỗ cho Thiên kiến xác nhận, giữ cho tinh thần ham học ham hỏi, thế đấy, thế thôi. “Dễ mà”.
Đấy cũng là 1 vấn đề của việc viết, đặc biệt là nghị luận thuyết minh. Chỉ cần anh để lộ một khắc lung lay không tin vào tư tưởng và kiến thức của mình thì đối thủ sẽ dựa vào đó bật ngược, còn người đọc dựa vào đó hồ nghi.
Nhưng có ranh giới cho sự nghi ngờ bản thân, và nó nằm ở hai loại:
1/ sự nghi ngờ trên tinh thần khách quan, nhìn mọi vật dưới con mắt đa chiều
2/ sự nghi ngờ, gượng ép viết nên những điều mình chưa thật sự tìm hiểu, “ép đáp án”, đầy rẫy thiên kiến
Vậy làm sao để phân biệt? Không rõ.
Tính cách người viết đặt vào văn phong cũng tác động lớn, như một lớp sương mù che phủ những “thủ thuật”, “ngụy biện”, “phản logic”, “ngụy khoa học” bên trong. Đấy, xem! Việc viết không hề dễ dàng, viết để thuyết phục lại càng khó. Cũng không hẳn, với trí thức thì không thể múa rìu qua mắt thợ, nhưng dân đen lại rất dễ, đặc biệt với những thiên kiến và xu hướng bẩm sinh trong gene. Mà dân đen thì đầy rẫy khắp chốn.
Vậy thì hãy nói việc đánh giá, bình phẩm việc viết là rất khó. Làm sao anh giữ được mình khách quan và tỉnh táo trước một bài viết nêu lên quan điểm (dựa trên khoa học) của cá nhân khác mà không để sự đánh giá bị ảnh hưởng bởi
- ghen ghét
thiên kiến xác nhận
tinh thần không khuất phục
P.s thực ra ban đầu là muốn miêu tả một cảnh ấm lòng làm mình cảm động thực sự, nhưng không viết nổi vì nó quá đẹp nên từ bỏ, sau đó tìm cách biện hộ cho sự bỏ cuộc của bản thân bằng cách lấp liếm “cố gắng miêu tả chính là giam hãm cảnh đẹp, cứ để nó tự do đi”.
lần đầu tiên viết kiểu này, thể hiện rõ ràng sự không chắc chắn của mình như giơ xương sườn ra khoe cho đối thủ.
Nhưng không, hãy nhắc nhở bản thân 1 chút, thắng k kiêu (bại không nản), suy nghĩ của anh hẵng còn non nớt và mập mờ, a cần học tập thêm và quay về vấn đề dang dở để nghĩ kĩ lần nữa.
Cuối cùng chả hiểu mình lảm nhảm điều gì nữa…
Khác
Blog: Thị Trấn Buồn Tênh
Facebook: Thị Trấn Buồn Tênh
Tác giả: Hàn Bảo Quân