Nói cho nhanh thì quan hệ giữa Dos và Turgenev không được tốt cho lắm.
Thật ra, từng có thời gian mối tương giao giữa hai vị này ở mức tương đối hảo hữu gọi là. Chuyện chỉ dần dần trật chìa bắt đầu từ giai đoạn anh trai Mikhail của Dos cho ra mắt tạp chí Thời Đại. Đến năm 1865 thì xảy ra một vụ chuyển hướng quan hệ giữa hai người như sau.
Dạo ấy Dos đang vướng vào mối tình với Apollinaria Suslova, cô không phải mẫu phụ nữ ta nên giao du khi muốn chuyên tâm vào công việc viết văn. Hai người du lịch đến Wiesbaden (Đức), nơi Dos bắt tay vào viết “Tội ác và trừng phạt”. Sau một trận thua bạc, Dos gửi thư cho Turgenev xin vay 100 tale trong vòng ba tuần lễ (không rõ tale là tiền tệ của nước nào). Turgenev lập tức gửi cho Dos 50 tale cùng với một lá thư rất thân tình. Dos cũng hết sức cảm ơn “Ivan Sergeyevich vô cùng hào hiệp”, vì dầu sao món tiền này “cũng giúp ích rất nhiều”.
Bẵng đi hai năm sau, món nợ vẫn chưa được trả. Dos lấy Anna Snitkina, rồi hai người lên đường đi chuyến trăng mật sẽ kéo dài bốn năm như đã kể ở bài trước. Đến Baden-Baden (Đức), họ lưu lại một khách sạn lớn tên “Chàng hiệp sĩ vàng”. Mới được ngày đầu Dos đã thua bạc to. Từ “Chàng hiệp sĩ vàng”, họ dọn đến ở hai căn buồng nhỏ trên một nhà thợ rèn, suốt ngày nghe tiếng búa nện và con nít khóc chèo chẹo. Baden-Baden sẽ là nơi lưu dấu những kỷ niệm buồn thảm của Dos trong chuyến đi vì cái tật cờ bạc không biết điểm dừng của ông. Nhưng thôi, đó là chuyện về sau.
Một hôm, Dos cùng vợ đi từ câu lạc bộ về thì gặp ông nhà văn Ivan Aleksandrovich Goncharov, người vừa mới đến đây chữa bệnh bằng nước suối. Goncharov thông báo Dos biết rằng Turgenev cũng đang ở đây. “Ivan Sergeyevich vô cùng hào hiệp” vừa xây một biệt thự cạnh biệt thự của nữ nghệ sĩ Pauline Viardot, hẳn dự tính định cư luôn ở Baden-Baden. Goncharov nói Turgenev có thấy Dos trong sòng bạc, nhưng không đến chào vì biết những người chơi bạc không thích thế. Theo nhật ký của Anna Snitkina ghi lại trong thời gian này, “bởi vì Fyodor còn đang nợ Turgenev 50 tale nên ông lập tức phải đến ngay chỗ Turgenev. Nếu không, ông ta có thể nghĩ rằng vì sợ bị đòi tiền mà không đến”. Cũng cần kể thêm rằng, đầu năm 1867 Turgenev có cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi là “Khói”, đại để bài xích dân tộc tính Nga và ca ngợi tinh thần Tây phương, khiến ông phải hứng chịu làn sóng phẫn nộ từ giới phê bình trong nước. Như Turgenev bảo với Alexander Herzen: “Tất cả bọn đỏ lẫn bọn trắng đều chửi tôi”. Nói không đâu xa, trong số đó có Dos. Với Dos, “thái độ Tây Âu hóa cực đoan” và “sự phủ nhận những tư tưởng Slave và nền tảng của nó” của tác giả “Khói” là không thể chấp nhận được
Nói qua vậy để hiểu đầu cua tai nheo cuộc nói chuyện sau đây vào giữa trưa ngày 10 tháng Sáu năm 1867, khi Dostoevsky đến thăm Turgenev, ngay sau cái hôm Goncharov thông báo.
“Tôi có cảm giác chưa bao giờ và chưa có ai bị chửi bới một cách thân tình như tôi, khi cho xuất bản Khói. Tôi bị ném đá từ mọi phía. Trong những ngày này, ở Moscow, trong câu lạc bộ Anh, giới quý tộc lấy chữ ký phản đối Khói và nghe đâu đã khai trừ tôi ra khỏi hàng ngũ.” Turgenev lại nói tiếp về tư tưởng chính của Khói: “Có một điều chung và quý giá đối với tất cả mọi người: đó là nền văn minh. Còn tất cả mọi cố gắng để bảo vệ tính chất Nga độc lập đều là những điều nhảm nhí. Tôi đã viết một bài báo dài về chủ nghĩa Nga và chủ nghĩa Slave.”
“Anh hãy đặt mua ở Paris một cái kính thiên văn cho tiện.”
“Để làm gì?”
“Anh hãy mang về nước Nga một cái kính thiên văn để nhìn chúng tôi cho kỹ, kẻo khó nhìn. Từ đây mà nhìn về thì hơi xa đấy.”
Turgenev cau mặt không nói gì. Dos tiếp:
“Tôi thật không ngờ tất cả những lời phê bình và sự thất bại của cuốn Khói lại làm cho anh nổi giận đến thế, thôi, chẳng hơi đâu mà…”
“Nói chung là tôi chẳng hề nổi giận, anh thật là…”
Dos cầm lấy mũ, và trước khi ra về, ông xả bầu mọi nỗi bực tức với người Đức tích tụ trong ông ba tháng qua:
“Anh có biết ở đây thường gặp những tên bịp bợm, những kẻ gian trá không? Thật đấy, đám dân đen ở đây tệ hại và dối trá hơn ở nước ta nhiều, còn ngu ngốc thì không kém. Đấy, anh cứ nói mãi về nền văn minh; thực ra thì nền văn minh này đã làm được gì cho họ và họ có gì đáng khen hơn dân ta?”
“Anh nói như thế nghĩa là anh đang xúc phạm đến chính tôi. Anh biết rằng tôi đã xin cư trú vĩnh viễn ở đây…”
“Mặc dù tôi đã đọc Khói và nói chuyện với anh hàng giờ liền, nhưng tôi vẫn không ngờ rằng anh lại nói những câu như thế. Thế thì tôi xin lỗi vì đã xúc phạm anh.”
Họ chia tay nhau một cách lịch sự.
Cuộc nói chuyện trên căn cứ vào vài truyện ngắn của Dos, trong đó có một truyện do Anna Snitkina tốc ký lại chỉ mấy giờ sau đó, và một truyện nữa Dos viết trong thư gửi nhà thơ Apollon Nikolayevich Maykov (lá thư này được công bố rộng rãi 9 năm sau ngày Dos mất). Giờ ta thử nghe chuyện từ phía Turgenev. Turgenev cho rằng câu chuyện trong lá thư gửi Maykov kia “nêu lên những nhận xét cáu kỉnh và ngu xuẩn về nước Nga và dân Nga mà ông ta gán cho tôi… Tôi chỉ gặp ông Dostoevsky có mỗi một lần. Ông ta ngồi ở nhà tôi không quá một giờ, dùng những lời nhiếc mắng cay độc đối với người Đức và với tôi, với quyển sách cuối cùng của tôi cho hả dạ, rồi đi về; tôi gần như không có thời giờ để phản ứng lại những câu nói của ông ta, và tôi xin nhắc lại rằng tôi coi ông ta như một người đang bệnh nặng.” Dos cũng không vừa. Ông tuyên bố về Khói: “Quyển sách này phải dùng bàn tay của đao phủ mà đốt đi”, về sau lại còn chế ra nhân vật văn hào Karmazinov trong “Lũ người quỷ ám”, mà ai cũng biết là ngầm châm biếm Turgenev. Cũng vừa lắm Dos ạ. Thật ra ông không nên làm như thế.
Mười giờ sáng hôm sau bữa nói chuyện đó, Turgenev đến nhà Dos và để lại danh thiếp. Đó là cử chỉ cắt đứt vĩnh viễn mọi quan hệ cá nhân. Họ còn gặp nhau ở sòng bạc, nhưng thậm chí còn không thèm gật đầu chào nhau. Về món nợ 50 tale kia thì mãi đến tháng Ba năm 1876 mới trả được (có giấy biên nhận của Turgenev).
Quan hệ thù địch giữa hai nhà văn kéo dài mãi đến năm 1880, họ làm lành với nhau trong dịp tưởng niệm Pushkin. Một năm sau Dos mất. Hai năm sau đó Turgenev nối gót. Ông này thực sự có não to. Sau khi ông nhắm mắt, họ giải phẫu tử thi cân não được hai ký chẵn.
Nguồn CLB Sách Dostoevsky