I. Người Trung Quốc xưa nghĩ gì về Thủy Hử?
Người Trung Quốc trong dân gian từ lâu đã lưu truyền câu nói “Trẻ không đọc Thủy Hử, giả không đọc Tam Quốc”. Vì sao lại như thế? Vì Thủy Hử ca ngợi những gương anh hùng cá nhân, hành sự cảm tính và lỗ mãng bất chấp hậu quả cũng như cổ súy tư tưởng làm lục lâm thảo khấu sống ngoài vòng pháp luật.
Nếu để những người trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm sống học hành xử theo kiểu các hảo hán Lương Sơn vì ân oán cả nhân mà giết người đốt nhà rồi kéo nhau lên núi làm giặc thì xã hội đại loạn. Còn Tam Quốc thì đầy những mưu mô chính trị, soán ngôi đoạt vị.
Người già đặc biệt là người có thế lực đọc không khỏi sinh hai lòng mưu đồ việc riêng. Qua câu nói trên, có thể thấy người xưa không phải là không biết tác hại của Thủy Hử và Tam Quốc cho dù họ vẫn đánh giá cao giá trị văn học của hai pho truyện này.
Đối với tầng lớp bình dân, Thủy Hử truyện có sức hấp dẫn to lớn không chỉ vì lối hành văn đơn giản, không quá cầu kì triết lý sâu xa, cách kể chuyện lôi cuốn đầy những tình tiết hấp dẫn mà còn là sự đề cao hai chữ “nghĩa khí” đầy cảm tính và chủ nghĩa anh hùng cá nhân “thấy chuyện bất bình giữa đường, hét lên một tiếng rút dao tương trợ”. Quả vậy, nếu đọc sơ qua thì đúng là cả pho Thủy Hử ca ngợi những hành động “kiến nghĩa bất vi vô dũng giả/lâm nguy bất cứu mạt anh hùng” như Lỗ Đạt đánh chết Trịnh Đồ vì tên này lừa gạt cô gái bán mình cho hắn, Tống Giang, Sử Tiến vì nghĩa mà tha cho bọn tội phạm triều đình, Võ Tòng vì nghĩa giúp Thi Ân đánh Tưởng Môn Thần, Yến Thanh xả thân cứu Lư Tuấn Nghĩa… Và khi Tống Giang tụ họp đủ 108 người phất lên ngọn cờ Thế Thiên Hành Đạo tại Tụ Nghĩa Sảnh thì Lương Sơn Bạc hiển nhiên trở thành ngôi nhà chung của những người yêu nghĩa khí khiến độc giả cảm thấy thỏa mãn. Tuy nhiên, ngay từ khi ra đời, Thủy Hử đã vấp phải nhiều ý kiến chống đối về cái gọi là đề cao nghĩa khí này của những người đọc thấu và nghiên cứu kĩ bộ truyện này. Kim Thánh Thán, nhà phê bình văn học nổi tiếng đời Thanh, người đã viết lời bình cho bộ Thủy Hử đã chỉ ra rằng: “Thi Nại Am tiên sinh không hề cho bọn Tống Giang là trung nghĩa. Các vị cứ xem mạch văn của ông thì biết, không một chữ nào không miêu tả sự gian ác của bọn Tống Giang. Cái được gọi là trung nghĩa chính là mồm thì nói trung nghĩa nhưng bụng thì giặc cướp, thế mới là đại gian đại ác vậy. Trung ở chỗ nào? Nghĩa ở chỗ nào?” Trong rất nhiều bài phê bình Thủy Hử, Kim Thánh Thán tiên sinh chỉ rõ rằng: “Thi Nại Am làm ra truyện Tống Giang, mà nhan đề sách là Thủy Hử, tức là ghét bỏ một cách quá quẫn và không cho cùng ở với Trung Quốc vậy. Thế mà đời sau không biết. Những hạng người thích loại này lại khoác xẳng cho các mục là trung nghĩa ở đời? Than ôi! Trung Nghĩa mà chịu chui rúc nơi bến nước hay sao?” Ông lại cho rằng Thi Nại Am “chẳng qua chỉ no ấm không có việc, nhân lúc trong lòng rỗi rãi thì vuốt giấy cầm bút, tìm một đề mục để tả ra, bao nhiêu tú khẩu cẩm tâm của mình. Sau này người ta không hiểu khoác thêm hai chữ “trung nghĩa” vào bộ Thủy Hử…” Là người được xem là viết lời bình hay nhất của Thủy Hử đến nỗi lời bình của Kim tiên sinh thường được in chung với nguyên tác theo từng hồi, rõ ràng Kim Thánh Thán chưa bao giờ coi Thủy Hử là bộ tiểu thuyết ca ngợi trung nghĩa.
Một người nữa cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc hai chữ “trung nghĩa” được khiên cưỡng gán ghép cho Thủy Hử là Du Vạn Xuân, nhà văn thời Thanh, người đã viết tiếp bộ Đãng Khấu Chí 71 hồi với nội dung tận diệt hết cả bọn 108 đầu lĩnh Lương Sơn Bạc. Cũng như Kim Thánh Thán, ông không tin rằng Thi Nại Am cho rằng bọn hảo hán Lương Sơn nghĩa khí. Người cho rằng 108 người Lương Sơn Bạc đại diện cho chính nghĩa chính là La Quán Trung, người đã chấp bút viết tiếp 40 hồi Hậu Thủy Hử về việc Tống Giang và những đầu lĩnh khác nhận chiếu chiêu an quy thuận triều đình rồi hi sinh giết giặc cứu nước. Du tiên sinh rất nặng lời phê phán tư tưởng của La Quán Trung áp đặt cho Thủy Hử trong tác phẩm của mình: “Vậy mà có ông La Quán Trung, bỗng nhiên viết ra bộ Hậu Thủy Hử nói rằng bọn Tống Giang chân trung chân nghĩa. Từ đó, bọn giặc cướp đời sau đều lấy Tống Giang làm gương: bụng giặc cướp, mồm trung nghĩa. Vào nhà giết người cướp của cũng là trung nghĩa, giết quan lại, đánh thành chiếm ấp cũng gọi là trung nghĩa. Bạn đọc thử nghĩ, điều này gọi là gì? Thật là một luận thuyết xằng bằng, làm hư hỏng tư tương của người ta, di hại vô cùng. Loại sách này nếu để cho nó lưu truyền trong dân gian thì còn ra thể sự gì nữa.” Kết quả là bộ Đãng Khấu Chí (“Đãng Khấu” có nghĩa là “tận diệt giặc cướp”) của Du Vạn Xuân miêu tả cảnh 108 hảo hán Lương Sơn bị triều đình tiêu diệt từng người như thế nào, có kẻ chết trận, có kẻ bị chém đầu, có kẻ bị đem lăng trì giữa chợ, không ai có một kết cục tốt đẹp. Đây cũng là kết cục tất yếu của bọn lục lâm thảo khấu làm càng.
II. Thi Nại Am có thực sự viết Thủy Hử đề cao trung nghĩa?
Vậy tư tưởng thật sự của Thi Nại Am, tác giả của Thủy Hử là gì? Ông có thực sự ca ngợi sự chính nghĩa của bọn hảo hán Lương Sơn hay không hay chỉ đơn thuần viết một trường thiên tiểu thuyết nói về đám người làm loạn?
Tôi không nghĩ Thi Nại Am viết Thủy Hử để ca ngợi những gì bọn Tống Giang làm là chính nghĩa mà chỉ đơn thuần kêt hợp những chuyện dân gian về Võ Tòng. Tống Giang, Lỗ Trí Thâm…thành một tác phẩm hoàn chỉnh với nhiều chi tiết thêm thắt hư cấu cho hấp dẫn mặc dù ông cũng không hề giấu giếm tình cảm ưu ái của mình đối với một số nhân vật chính trong truyện.
Đặt tên truyện là “Thủy Hử” tức là bờ nước, Thi Nại Am đã ám chỉ sự không quan minh chính đại của cái gọi là hảo hán Lương Sơn, chẳng qua là bọn thảo khấu ẩn mình nơi bờ lau bến nước mà thôi. Trước khi vào hồi 1 của truyện, Thi Nại Am đã viết một khúc đệm giải thích cho việc hình thành nên bọn hảo hán Lương Sơn như sau: Hồng Thái Úy phụng mệnh Tống Nhân Tông lên núi Long Hổ để cúng tế cầu quốc thái dân an. Trong miếu có một bia đá tương truyền dùng để trẩn yểm 36 con yêu quái ứng với 36 sao Thiên Cang và 72 con yêu ứng với 72 sao Địa Sát (cộng lại 108). Mặc cho sự can ngăn của các đạo sĩ giữ miếu, Hồng Thái Úy khăng khăng đòi phá bia vô tình giải thoát cho bọn yêu quái khỏi nơi giam giữ và gây ra cái vạ Thủy Hử. Và để kết thúc truyện, Thi Nại Am đã dựng nên một câu chuyện hoang đường về giấc mơ của Lư Tuấn Nghĩa khi bị thần nhân mặc giáp vàng mắng là đồ phản nghịch rồi đánh bại bắt trói giải ra Tụ Nghĩa Sảnh nơi 107 đầu lĩnh còn lại cũng chịu chung số phận. Khi vị đại quan ngồi trên công đường đọc lời luận tội và tuyên bố đem chém hết cả lũ, Lư Tuấn Nghĩa giật mình ngẩng mặt nhìn trời thì thấy trên trời hiện ra bốn chữ “thiên hạ thái bình”. Hồi mào đầu và hồi kết là hai chương cực kỳ quan trọng của Thủy Hử khẳng định thái độ của Thi Nại Am với bọn hảo hán Lương Sơn: đây là bọn yêu quái hại đời, vì một sơ suất của Hồng Thái Úy nên thoát ra được cướp bóc quấy nhiễu thiên hạ. Và cuối cùng khi cả đám tụ tập lại tại một nơi thì bị thần nhân một mẻ lưới gom hết mang đi chém đầu trả lại thái bình cho đời. Tiếc thay đây là hai hồi trong truyện thường bị cố tình bỏ sót không nhắc đến, vô tình biến Thủy Hử là truyện ca ngợi chính nghĩa. Bình về cái tựa “Thủy Hử” Kim Thánh Thán cho rằng: “Nếu bọn Tống Giang 108 người thực sự trung nghĩa, việc gì phải ra ở tít nơi bến nước xa kia? Từ lúc nhỏ họ đều là những tư chất sài lang hổ báo, đến lúc lớn đều có tính nết giết người cướp của. Về sau đều là những hạng trán khắc chữ, cổ đeo gông, đều là phường quân giặc gươm tre giáo gỗ với nhau cả. Nếu lúc đó có bậc vương giả mang quân bắt giết hết đi thì ngàn người đều khoái, vạn người đều khoái vô cùng vậy.”
Cần phải nói thêm rằng, vì viết Thủy Hử mà Thi Nại Am bị Chu Nguyên Chương tống giam vô ngục vì tội viết sách đại nghịch bất đạo. Có giả thuyết ở trong ngục, ông đã viết bốn mươi hồi “Hậu Thủy Hử” theo lời gợi ý của Lưu Bá Ôn kể về việc Trương Thúc Dạ chiêu an Lương Sơn và dùng họ để bình Liêu và chống lại các cuộc nổi dậy khác của Vương Khánh, Điền Hổ và Phương Lạp để họ tử trận sa trường tận trung báo quốc để thoát tội. Cũng có giả thuyết cho rằng bốn mươi hồi sau này do La Quán Trung, học trò của Thi Nại Am, viết để cứu thầy. Tư tưởng bảo hoàng trung quân ái quốc của La Quán Trung vốn là tinh thần của bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa một lần nữa được đưa vào Hậu Thủy Hử khiến cho bộ truyện trở nên khiên cưỡng và gượng ép trái với tinh thần ban đầu của nó.
III. Bốn điều bất nhân bất nghĩa của bọn hảo hán Lương Sơn.
Vậy thì sự bất nhân bất nghĩa của bọn hảo hán Lương Sơn được thể hiện ở chỗ nào? Có bốn điều đại nghich bất đạo của bọn Tống Giang mà những kẻ ca ngợi nghĩa khí kiểu Lương Sơn đã cố tình bỏ qua hoặc làm nhẹ. Tôi sẽ phân tích từng điều để mọi người xem mình thực sự có đọc kỹ tác phẩm này không nhé.
Trước tiên là một số nhân vật đã có máu làm giặc từ trong trứng nước. Điển hình là Sử Tiến, con nhà viên ngoại được cho ăn học đàng hoàng không chịu, thích côn quyền, xăm chín con rồng trên lưng làm hổ báo cấp làng xã. Đến khi bọn Trần Đạt, Dương Xuân, Chu Vũ chiếm núi Thiếu Hoa làm loạn quấy nhiễu Sử gia trang, thay vì bắt bọn này nộp quan giữ trị an cho dân trong thôn, Sử đại lang kết bè với lũ này, đốt luôn gia trang do cha để lại kéo nhau lên núi làm giặc.
Đó là bọn Yến Thuận, Vương Anh, Đỗ Thiên, Tống Vạn vốn là dân buôn làm ăn thua lỗ, cậy có chút võ nghệ chiếm lấy một ngọn núi để làm cướp. Đó là bọn Trương Hoành, Lý Tuấn giả người đưa đò, đưa người ra giữa sông, một dao chém chết đoạt hết của cải tiền bạc rồi đẩy xác xuống sông làm mồi cho cá. Đó là vợ chồng Trương Thanh-Tôn Nhị Nương mở quán ăn ở khu đèo heo hút gió Phi Vân Phố, hễ có người đến ăn thì đánh thuốc mê khiêng xuống bếp mổ thịt làm bánh bao còn tư trang tiền bạc thì lấy hết. Triều Cái không chịu yên phận làm trưởng thôn kết hợp với tay thầy đồ nham hiểm Ngô Dụng và tên cướp cạn Lưu Đường đi cướp đồ lễ sinh nhật rồi phóng hỏa đốt thôn chạy trốn quan binh.
Thứ hai là hạng người biết pháp phạm pháp: Lỗ Đạt vốn là đề hạt (công an huyện) lại đánh chết Trịnh Đồ vì một lời nói bâng quơ không chứng cứ của một cô gái rồi giả sư bỏ trốn. Võ Tòng làm đô đầu (cảnh sát trưởng) huyện Dương Cốc sau khi bắt Phan Kim Liên nhận tội giết chồng, thay vì đem nộp cho quan phủ lại tự tay công báo tư thù chém đầu mổ bụng chị dâu tế anh rồi tìm Tây Môn Khánh truy sát luôn. Tống Giang làm áp ty huyện Vận Thành lại mang tin quan binh vây bắt Thạch Kiệt Thôn báo cho bọn Triều Cái để cả bọn trốn thoát lên Lương Sơn. Chu Đồng và Lôi Hoành cũng vì giao tình với Triều Cái mà đem quân đuổi theo cho có rồi quay về bảo là không bắt được. Ngay tới Sài Tiến vốn dòng dõi vua Hậu Chu Sài Vinh, cậy có miễn tử kim bài của hoàng đế ban cho, biến phủ đệ của mình thành nơi chứa chấp trọng phạm đào tẩu của triều đình. Lâm Xung, Võ Tòng, Tống Giang trên đường đào tẩu đểu ghé vào và được tiếp đãi nồng hậu.
Thứ ba, thủ đoạn ép người khác nhập bọn của Lương Sơn vô cùng tàn độc và thâm hiểm, có thể nói là không chút nhân tính. Tích Lịch Hỏa Tần Minh đánh nhau với bọn Vương Anh, Yến Thuận để bắt Tống Giang mắc gian kế bị bắt.
Tống Giang một mặt khuyên Tần Minh bỏ triều đình theo làm giặc, một mặt sai một tên lâu la có diện mạo gần giống Tần Minh mặc giáp cưỡi ngựa và cầm binh khí của Tần Minh dẫn quân đánh thành. Mộ Dung tri phủ tưởng Tần Minh đã phản bèn đem hết vợ con Tần Minh ra chém.
Hôm sau Tống Giang giả vờ nhân nghĩa trả lại quân trang và ngựa cho Tần Minh về. Khi về tới thành, thấy đầu vợ con mình bị treo trước cồng thành, Tần Minh đau đớn suýt ngất quyết tâm tấn công thành báo thù gia quyết, vô tình rơi vào cái bẫy thâm độc của bọn Tống Giang.
Nhất Trượng Thanh Hỗ Tam Nương vốn là tiểu thư cành vàng lá ngọc của Hỗ Gia Trang bị Lâm Xung bắt được lên Lương Sơn, bị Tống Giang ép nhận cha mình làm cha nuôi rồi ép gả cho tay đầu lĩnh vừa lùn vừa xấu vừa háo sắc Nụy Cước Hổ Vương Anh còn Hỗ gia trang bị quân Lương Sơn trong trận đánh Chúc gia Tranh tiện thể đánh luôn, Hỗ thái công phải treo cổ tự tử còn Hỗ Thành, anh trai Hỗ Tam Nương bị Lý Quỳ đánh đuổi mất tông tích (hoặc cũng có thể đã bị Lý Quỳ giết chết).
Kim Sang Thủ Từ Ninh đang yên ấm làm quan trong triều, vì Lương Sơn muốn nhờ ông này luyện câu liêm thương phá trận liên hoàn mã của Hô Duyên Chước nên đã cử Thời Thiên đi trộm áo giáp gia bảo dụ Từ Ninh rượt theo đòi lại rồi bắt cả vợ con Từ Ninh làm con tin buộc nhập bọn.
Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa thì bị Ngô Dụng giả làm thầy bói vào nhà bảo rằng có họa sát thân rồi đề thơ phản nghịch lên tường khiến họ Lư từ một viên ngoại phú hào nổi tiếng bậc nhất thành Bắc Kinh trở thành trọng phạm triều đình, vợ bỏ theo trai, bản thân mình bị tử tội.
Mỹ Nhiêm Công Chu Đồng phạm tội thả Tống Giang đáng lẽ phải lưu đày, tri phủ thương là người trung thực nghĩa khí nên giữ lại làm gia tướng, lại tin tưởng giao con cho giữ.
Bọn Tống Giang mời Chu Đồng về Lương Sơn không được bèn lập mưu cho Lý Quỳ bắt cóc cậu ấm con quan tri phủ mới ba tuổi chặt đầu buộc Chu Đồng sợ tội mà phản. Nói chung, nếu Lương Sơn Bạc đã nhắm vào ai thì chỉ có một đường là phải theo chúng, không thì gia đình tan nát, bản thân mang họa sát thân không còn chọn lựa khác là phải làm giặc.
Cuối cùng, từ sau khi tụ nghĩa, những gì Lương Sơn Bạc làm là cướp phá và tiêu diệt những kẻ không phục tùng để phô trương thanh thếchứ không phải là chống tham quan ô lại hay cướp của dân chia cho người nghèo. Chúc gia trang, Tăng đầu thị vì có chủ trương chống giặc cỏ Lương Sơn nên bị Lương Sơn dẫn quân đến làm cỏ chứ họ chẳng phải là tham quan ô lại gì.
Cái tội cường hào ác bá của Chúc gia trang và Tăng đầu thị là do Lương Sơn gán cho họ vì tuyệt nhiên không có một dòng một chữ nào kể chuyện họ Tăng và họ Chúc áp bức bóc lột thôn dân.
Trái lại, họ là những người quyết tâm bảo vệ người trong trang của mình. Họ huấn luyện dân binh, bày bố trận địa, kết hợp với những thôn khác đề phòng sự tấn công của Lương Sơn Bạc.
Ba công tử nhà họ Chúc được dân thôn gọi là Chúc gia tam kiệt còn chợ Tăng đầu thì cũng có Tăng gia ngũ hổ dưới sự dẫn dắt của võ sư Loan Đình Ngọc vốn là sư huynh của Lâm Xung. Cả hai thôn này đều là những thôn trang mạnh và ghét thói nhũng nhiễu của Lương Sơn nên quyết tâm chống tới cùng nên bị bọn Lương Sơn tiêu diệt.
Các vụ đánh phủ đánh châu đều nhắm hai mục đích là giải quyết tư thù (đánh Dương Châu là để cứu Tống Giang, đánh Đại Danh phủ cứu Lư Tuấn Nghĩa, đánh Cao Đường Châu là để cứu Sài Tiến) và cướp lương thực (đánh phủ Đông Bình). Mỗi lần công thành là tay hung thần Lý Quỳ được tung ra đi đầu để làm nhiệm vụ gieo rắc khủng bố.
Với đôi song phủ của mình, Lý Quỳ hễ xông được vào thành là thẳng tay chém giết bất kể đó là quan binh hay là lão bá tánh, chém giết đến khi toàn thân nhuộm máu vẫn còn chưa chịu ngưng tay. Những kẻ ca ngợi sự trung nghĩa của Lương Sơn hảo hán chắc đã cố tình nhắm mắt không đọc những đoạn như thế này.
(còn tiếp)
(còn tiếp)
Tác giả: Vien Huynh
Các bài khác của của Vien Huynh:
[kkstarratings]
Các liên kết nội bộ
Tham gia group Thị Trấn Buồn Tênh nhé.Hướng dẫn bình luận review cho bài viết
Hướng Dẫn Tạo Bài Viết Review/Bảng Đánh Giá Cho Bài Viêt
Diễn đàn của website, rất mong mọi người tham gia và góp ý cho website nhé.
Tuyển Cộng Tác Viên
Thư Viện Ebook
Hướng dấn sửa đường dẫn chương
Hướng Dẫn Đăng Chương Mới Trong Truyện Đã Có Sẵn
Đề xuất bài viết cho bạn
Like
0%
Dislike
0%
Cám ơn
0%
Đánh giá cao
0%
Phấn Chấn
13%
Tức Giận
0%
Tức muốn bắn
0%
Buồn
0%
Khóc
0%
Ngầu
0%
Quỷ Dữ
0%
Nhảm nhí
0%
Comments