
Thủ lĩnh thẻ bài – Bà hoàng của thể loại Mahou shoujo

Thủ lĩnh thẻ bài – Bà hoàng của thể loại Mahou shoujo
Ai trong chúng ta hẳn cũng đã từng một thời tấm bé háo hức ngồi trước màn hình tivi để chờ đến giờ chiếu phim, hay ngúng nguẩy trước gương để bắt chước nhân vật hoạt hình yêu thích. Đối với mình, ‘Thủ lĩnh thẻ bài’ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhóc con ngày ấy, để rồi đến khi trưởng thành, không còn chiếc ti vi ngày xưa nữa, không còn nằm lăn lóc trên mặt đất nữa, nhưng nhóc đó vẫn một lòng thiết tha với bộ phim hoạt hình tuổi thơ.
“Cardcaptor Sakura” (viết tắt là CCS) hay còn được biết đến rộng rãi ở Việt Nam dưới tên “Thủ lĩnh thẻ bài” xoay quanh cô bé Kinomoto Sakura – một học sinh tiểu học vô tình giải phong ấn cho những thẻ bài Clow quyền năng và làm thất lạc chúng. Từ đó, chuyến hành trình thu phục những thẻ bài Clow để ngăn chặn chúng hủy diệt thế giới của Sakura cùng thần thú Kero và những người bạn chính thức bắt đầu.
“Cardcaptor Sakura” vốn không giống với bất kỳ tác phẩm nào trước đó của CLAMP bởi đây là lần đầu tiên nhóm tác giả thực hiện manga thể loại mahou shoujo (cô gái phép thuật). Chính vì vậy, khi quyết định chuyển thể manga này thành anime, CLAMP đã mất rất nhiều thời gian để có thể truyền tải toàn bộ kịch bản từ những khung tranh và trang truyện ít ỏi lên màn ảnh. Kịch bản được dự kiến sẽ thuộc loại câu chuyện “cứ cố gắng hết sức rồi sẽ thành công”, nhưng thay vào đó Ohkawa – chủ bút của CLAMP – lại triển khai tác phẩm theo lối suy nghĩ “Mọi chuyện nhất định sẽ ổn thôi” của Sakura. Quả thật, các tập phim của “Thủ lĩnh thẻ bài” luôn kết thúc bằng việc Sakura và các bạn giải quyết ổn thỏa rắc rối và thu phục thành công các thẻ bài. Có lẽ bởi vậy, không khí của bộ phim không hề nặng nề hay đau buồn như những bộ anime “cùng mẹ” như “Huyền thoại đôi cánh” (Tsubasa – reservoir chronicle), “xxxHolic”,… mà tạo cho người xem cảm giác lạc quan, vui tươi và cũng không kém phần mơ mộng.
Tuy nhiên, không vì vậy mà những tập phim mất đi thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, đặc biệt là về tình yêu và các mối quan hệ giữa người với người – chủ đề trung tâm xuyên suốt toàn bộ phim.
Trong khi hầu hết các shoujo manga hướng đến đại đa số người đọc, Ohkawa muốn xây dựng cốt truyện hướng đến cả thiểu số. Vì vậy, cô đã không ngần ngại cho vào đứa con tinh thần của mình các yếu tố về tình yêu đồng giới hay một số điều cấm kỵ – một nước đi vô cùng táo bạo nhưng cũng không hề thiếu suy nghĩ. Tình yêu trong CCS muôn hình vạn trạng và phơi bày các hình thái khác nhau của tình yêu: yêu từ cái nhìn đầu tiên, tình yêu chân thành, tình yêu không được đáp trả,… Ohkawa đã nghiêm túc triển khai tuyến nhân vật theo tôn chỉ đó, đặc biệt là với nhân vật chính Sakura. Dưới bàn tay của tác giả, Sakura được khắc họa với những suy nghĩ cởi mở về sự khác nhau giữa quan hệ gia đình và các hình thái của tình yêu. Luôn sẵn sàng chấp nhận tình yêu ở mọi hình thái của nó, Ohkawa muốn Sakura đối xử với tất cả mọi người thật bình đẳng. Đồng thời, các nhân vật cũng giữ được nét tính cách trẻ thơ đúng độ tuổi của mình chứ không bị ép trưởng thành quá mức. Tuy một số người không đồng tình việc nhóm đối tượng chính mà ban đầu CLAMP hướng đến là học sinh tiểu học từ 6-12 tuổi, nhưng thiết nghĩ, việc tiếp cận với những vấn đề nhạy cảm ở mức độ nhẹ nhàng như phim truyền tải sẽ phần nào giúp các em có tư tưởng cởi mở hơn về tình yêu.
Phong cách nghệ thuật đã được xét duyệt ngay từ đầu để thống nhất với thế giới quan trong “Cardcaptor Sakura”. Các họa sĩ đã đi những nét mảnh, khắc họa mọi thứ bằng đường cong, các khung hình cũng được làm sáng và tông màu chủ đạo xuyên suốt phim là màu hồng – màu của loài hoa sakura. Đây cũng là bộ phim hoạt hình truyền hình trên NHK có chi phí sản xuất cao nhất lúc bấy giờ, đặc biệt đã phối từ 200 đến 300 màu chỉ thị – cao hơn nhiều so với trung bình của một anime thông thường là chỉ từ 160 đến 180 màu.
Khác hẳn các bộ anime thể loại cô gái phép thuật khác, CLAMP đã đầu tư rất nhiều chất xám vào tạo hình nhân vật. Từng nhân vật trong phim được tạo hình hoàn toàn khác nhau để người xem dễ dàng phân biệt và nhớ tên, nhớ mặt. Trong suốt bao nhiêu năm nghiền ngẫm anime của mình, có lẽ điều khó hiểu và kỳ quặc nhất khi xem các bộ thể loại phép thuật hẳn là việc dàn nhân vật không bao giờ thay đồ dù đã qua biết bao nhiêu tập phim. Bởi vậy mà khi xem CCS, mình đã không khỏi bất ngờ khi mà Sakura được khoác trên mình nhiều bộ quần áo khác nhau trong mỗi tập phim, và có khi là trong cả mỗi lần chuyển cảnh. Nhà sản xuất còn chăm chút cẩn thận cho các khung nền của phim đến mức Igarashi – một trong số các tác giả của nguyên tác phải nhận xét rằng họ “chưa bao giờ phải minh họa nhiều hoa như vậy trong một tác phẩm”. Các họa sĩ đã phải tham khảo hàng loạt các tài liệu khác nhau để tìm bông hoa thích hợp, và cố gắng tránh vẽ trùng một loại hoa nhiều hơn một lần trong mỗi tập.
Để đúng với tinh thần của bộ phim, OST của anime mang màu sắc tươi sáng và tràn đầy niềm tin, hy vọng. Mỗi lần nghe lại opening và ending của bộ phim, con tim mình luôn xao xuyến vì nhịp điệu sôi động nhưng vẫn rất êm tai và giọng hát ngọt ngào của ca sĩ. Từng nốt nhạc khiến mình nhớ lại một thời thơ bé vừa chạy nhảy tung tăng khắp nơi vừa luôn miệng nhẩm hát, mặc cho mình hát sai tùm lum. Giai điệu của các bài hát có lúc nhẹ nhàng và du dương, nhưng có những khi lại vô cùng sôi động, bắt tai. Chúng mang lại cho người nghe cảm giác rằng: dù ngày mai trời có sập thì điều kì diệu nhất định sẽ xảy ra, và rồi chúng ta vẫn sẽ ổn thôi.
Cũng như với manga, chuyển thể anime của Cardcaptor Sakura qua bản thuyết minh tiếng Việt đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm, nhưng không có bản quyền. Phải đến năm 2008, TVM Corp mới cấp phép sản xuất phiên bản lồng tiếng Việt của bộ phim. Vai Sakura được phụ trách bởi Huyền Chi – một diễn viên lồng tiếng vô cùng tài năng và dày dạn kinh nghiệm có tiếng trong ngành với các vai lồng tiếng đã đi sâu vào tiềm thức tuổi thơ của nhiều thế hệ như Ran Mori (Thám tử lừng danh Conan), Chiho-Chise (Kobato và những viên kẹo hạnh phúc), Kagura (Hóa giải lời nguyền),… Bộ phim được chiếu trên kênh HTV3 thuộc Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh với tựa phim được dịch thành “Thủ lĩnh thẻ bài”, và một số ca khúc chủ đề mở đầu và kết thúc phim gốc được hát lại lời bằng tiếng Việt do chính các diễn viên lồng tiếng thể hiện. Nhà đài đã chú ý đầu tư cho khoản lồng tiếng để người xem không phải chịu cảnh trăm giọng như một, và dàn diễn viên lồng tiếng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong việc thể hiện tính cách, tâm trạng của nhân vật. Hơn thế nữa, bản dịch của các bài hát cũng được chăm chút kỹ lưỡng nên lúc nghe hoàn toàn không chối tai. Theo mình, “Thủ lĩnh thẻ bài” xứng đáng được coi là một trong những bản lồng tiếng thành công nhất không chỉ trong kênh HTV3 mà còn trong giới lồng tiếng nói chung bởi nó đã giữ đúng tinh thần đáng yêu của bộ anime gốc. [Các bạn có thể tìm thấy OST bản gốc lẫn bản lồng tiếng dưới phần comment của post.]
Sau chặng đường dài với hơn 20 năm, “Thủ lĩnh thẻ bài” đã, đang và sẽ luôn nằm trọn trong trái tim của từng khán giả và đồng hành cùng kí ức tuổi thơ của mỗi chúng ta. Quả thực, CLAMP đã tạo ra một kiệt tác shoujo và “Thủ lĩnh thẻ bài” xứng đáng được vinh danh là “Bà hoàng của thể loại Mahou shoujo”.
Nguồn và bài viết gốc: Vòng về phim