
Nội dung
Trong sự nghiệp của mình, Kim Dung viết 15 tác phẩm kiếm hiệp. Sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu từ thập niên 50 thế kỷ trước và kết thúc vào thập niên 70. Các tác phẩm của Kim Dung rất nổi tiếng ở Hồng Kông và Đông Nam Á. Tuy nhiên tiểu thuyết của Kim Dung từng bị cấm ở Đại Lục và Đài Loan vì nhiều lý do khác nhau.
Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, khi các tờ báo và tạp chí tiếng Trung ở HK đăng tải truyện của Kim Dung thì ở Đài Loan, những tác phẩm của Kim Dung bị cấm đăng tải trên báo chí và cũng không được phép xuất bản.
1-Đài Loan cấm truyện Kim Dung gần 23 năm (từ 1957 đến 1980)
Cần phải nhớ rằng giai đoạn từ thập niên 60 đến 70 ở Đài Loan là thời kỳ “khủng bố trắng” (mọi người có thể google search “khủng bố trắng ở Đài Loan” để biết rõ hơn). Vào thời kỳ đó, tất cả các ấn phẩm đều bị chính quyền kiểm duyệt gắt gáo. Do vậy, các tác phẩm của Kim Dung đã bị cấm ở Đài Loan. Lấy ví dụ như Anh Hùng Xạ Điêu, tác phẩm đã không thể qua được cửa “kiểm duyệt”
Tên truyện “Anh Hùng Xạ Điêu” xuất xứ từ câu thơ “Nhất đại thiên kiêu, Thành Cát Tư Hãn, chỉ thức loan cung XẠ đại ĐIÊU” (Nức tiếng một thời,Thành Cát Tư Hãn, Chỉ biết giương cung bắn điêu chơi) trong bài thơ “Thấm viên xuân: Tuyết” của Mao Trạch Đông. Mà Mao Trạch Đông lại là người ở phía “bên kia”, do vậy chính quyền Đài Loan lúc đó cấm Anh Hùng Xạ Điêu.
Nhiều tác phẩm khác của Kim Dung có những chi tiết bị soi mói, bị hiểu lầm nên cũng chung số phận.
Trong “Thiên Long Bát Bộ”, Kim Dung có viết về cha con Mộ Dung Phục với khát vọng khôi phục nước Đại Yên. Bên kiểm duyệt khi đó lại cho rằng Kim Dung ám chỉ tới …Tưởng Giới Thạch và các con trai của ông. Tác phẩm này do vậy cũng bị cấm. Thế nhưng càng cấm thì người ta lại càng…đọc. Đặc biệt, nhiều sinh viên của Đài Loan thời ấy đã lén lút đọc các tác phẩm của KD.
Nhiều tác phẩm của Kim Dung đã được xuất bản lậu ở Đài Loan. Tên tác phẩm và tác giả đều bị đổi đi.
Ví dụ như “Anh hùng xạ điêu” bị đổi thành “Đại mạc anh hùng truyện”. Còn “Lộc đỉnh ký” chia làm 2 cuốn đổi tên là “Thần Vũ Môn” và “Tiểu Bạch Long”. “Tiếu Ngạo Giang Hồ” trở thành 2 cuốn, 1 cuốn là “Nhất kiếm quang hàn tứ thập châu”, 1 cuốn là “Độc cô cửu kiếm”. “Thư kiếm ân cừu lục” bị đổi thành “Thư kiếm giang sơn”. Tên tác giả bị đổi từ Kim Dung thành Tư Mã Linh.
Ngoài truyện của Kim Dung, tiểu thuyết “Ngoạ hổ tàng long” của Vương Độ Lư cũng bị cấm xuất bản ở Đài Loan.
Phải đến thập niên 80, nhờ nỗ lực của nhà xuất bản Tầm Nhìn cộng với việc Kim Dung đến thăm Đài Loan, bày tỏ sự ủng hộ với Tưởng Kinh Quốc, cơ quan kiểm duyệt của Đài Loan mới dỡ bỏ lệnh cấm với các tác phẩm của Kim Dung.
Fact: Tờ HK01 của HK sau này cho biết một số quan chức, lãnh đạo của Đài Loan như Nghiêm Gia Cam, Tưởng Kinh Quốc đều đọc tiểu thuyết của Kim Dung. Nghiêm Gia Cam còn bị cho là cử người mua tiểu thuyết của Kim Dung về để đọc.
2- Trung Quốc
Ở Trung Quốc đại lục, các tác phẩm của Kim Dung bị nhìn nhận là văn hoá phẩm gây độc hại cho thanh thiếu niên. Nhiều người lo ngại các học sinh yêu đương, ẩu đả như những nhân vật trong truyện. Nhiều nơi, các giáo viên đã đem tịch thu tiểu thuyết của Kim Dung rồi đem đốt…Nói nôm na thì hối đó, truyện của Kim Dung bị coi là độc hại như…game online ở thời điểm hiện tại.
Nhưng sau này, lệnh cấm xuất bản các tác phẩm của Kim Dung ở Đại Lục đều bị dỡ bỏ. Những tác phẩm của Kim Dung thậm chí nhanh chóng bán rất chạy và được ca ngợi ở chính nơi mà nó từng bị cấm đoán.
Sau cuộc gặp của Kim Dung và Đặng Tiểu Bình vào năm 1981, lệnh cấm trên được dỡ bỏ. Theo tờ Sina và Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình là một trong số những độc giả trung thành của Kim Dung.
Đặng Tiểu Bình rất thích đọc tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung và thường mang theo những cuốn tiểu thuyết của Kim Dung khi đi công tác. Thậm chí Đặng Tiểu Bình còn là độc giả sớm nhất của Kim Dung ở Đại lục.
Khi Đặng Tiểu Bình được phục hồi công tác vào năm 1973, ông đã nhờ người bên ngoài đại lục mua hộ một loạt tiểu thuyết của Kim Dung và say mê đọc.
Kim Dung có lần đưa ra đề nghị với Chi nhánh Tân Hoa Xã ở Hồng Kông, với hy vọng đến thăm Đại lục và đích thân đến Bắc Kinh. Yêu cầu này sau đó đã được Đặng Tiểu Bình chấp thuận và hai người gặp nhau vào năm 1981 như đã đề cập ở trên.
Y tá của Đặng Tiểu Bình, Quách Cần Anh cho biết Đặng Tiểu Bình rất thích xem các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, Cổ Long, Lương Vũ Sinh. Tiểu thuyết võ hiệp mà Đặng Tiểu Bình đọc nhiều nhất chính là “Anh hùng xạ điêu”.
Một lần, con gái của Đặng Tiểu Bình là Đặng Nam có gặp Kim Dung và nói rằng cha của bà rất thích đọc tiểu thuyết võ hiệp mà Kim Dung viết. “Trước khi ngủ, cha tôi thường đọc vài trang”, Đặng Nam nói.
Nguồn: Nhanvantu và truyện – tác giả Trảm Ác Tử
Blog: Thị Trấn Buồn Tênh
Facebook: Thị Trấn Buồn Tênh