Zombie trong văn học dân gian Việt Nam
Ngày nay, chủ đề zombie đang thịnh hành. Series Kingdom của Hàn Quốc, lấy bối cảnh Triều Tiên thời trung đại đã đạt được nhiều phản hồi tích cực. Các fan Việt không ít thì nhiều cũng muốn có một bộ zombie lấy bối cảnh Việt Nam.
Zombie lấy bối cảnh Việt thì sẽ như thế nào? Trong lịch sử-văn hoá Việt có tồn tại bất cứ thông tin, câu chuyện nào có thể dùng làm nền tảng cho một bộ về zombie không? Câu trả lời đương nhiên là: CÓ.
Hiển nhiên, ta phải quán triệt rằng người xưa không hề biết gì về khái niệm “zombie”. Chỉ là trong quá trình sáng tác các câu chuyện cổ, họ vô tình có một số ý tưởng khá tương đồng với “zombie” mà ta biết ngày nay thôi. Cho nên, đừng quá kỳ vọng rồi thất vọng vì sao “zombie Việt” quá khác với zombie thông thường. Chi tiết câu chuyện là thế này:
Sử thi “ Đẻ đất đẻ nước” của người Mường, đoạn gần cuối:
I.CÂY CHU ĐỒNG:
Sau khi thế giới được hình thành, ba anh em Lang Cun Khương ( lãnh tụ của con người) bắt đầu ra lệnh tìm kiếm một cái cây thiêng tên là Chu Đồng về để dựng nhà. Người ta tin rằng cây Chu Đồng có thể mang đến sự thịnh vượng và quyền lực tộc bậc cho kẻ sở hữu nó.
Tuy con người cố gắng rất nhiều, không ai tìm được tung tích cây Chu. Tình cờ, một người đầy tớ của Lang là Tặm Tạch, trong lúc mò mẫm đi săn, vô tình tìm được. Nơi cây thiêng Chu Đồng ngự trị, sử thi mô tả như sau:
“ Cây Chu đá, lá chu ( bằng) đồng, bông ( đồng) thau, quả thiếc.
Hoa vàng bảy.
Trái vàng ba.
Bông như lụa là.
Lá bay lấp lánh.
Gió cành như nhạc ngựa.
Nhìn bên trên, hai anh em đều thấy,
Con cọp đứng chầu một bên.
Con sên đứng chầu một hàng.
Lợn lòi, hươu, mang đứng chầu ở giữa.
Phượng hoàng đứng chầu một bên.
Vàng anh bắt sâu trên cành, trên lá…”
Thấy mình bị phát hiện, muông thú và cây Chu Đồng mua chuộc Tặm Tạch bằng hai quả chín vàng. Chỉ hai quả này là đủ phù hộ một người trở thành giàu có tột bậc, ruộng, voi, trâu bò nhiều không kể xiết. Tặm Tạch nhận lời, lấy quả rồi ra về. Từ đó, nhà Tạch đột nhiên trở nên giàu có.
Theo đúng motip survive, người như Tặm Tạch khó bề sống lâu. Ông mau chóng bị các Lang chú ý. Chúng tịch thu quả cây thiêng, ép Tạch phải chỉ đường tìm cây, hoặc bị giết theo cách thê thảm nhất. Tạch đành nhận lời. Khi cây Chu bị chặt, mặt đất rung chuyển như sấm sét.
Cây đổ rồi nằm lì không chịu di chuyển. Linh hồn nó gào thét, đòi giết Tặm Tạch trả thù. Bọn Lang chẳng hề nao núng, liền giết luôn Tặm Tạch để tế cây, róc thịt lấy đầu lâu làm mõ, lấy xương Tạch làm đà, kéo cây Chu về nhà. Cây Chu lồng lộng, nhiều lần tìm cách lăn đi trốn, nhưng không được.
Tặm Tạch chết đi, bỏ lại hai đứa con mồ côi. Bọn trẻ mất cha, đói quá, lại thấy Lang được cây Chu càng trở nên giàu có, nên đến xin thưởng. Chẳng ngờ bọn Lang bỏ không nhìn, sai lính đuổi khỏi cửa. Bọn trẻ giận quá, đập vỡ cả trống đồng, mắng nhà Lang độc ác vô tình. Bọn Lang vịn vào đó, lại bắt mẹ con bọn trẻ phải bán nhà nộp vạ.
Bọn trẻ nhịn không nổi, bàn nhau đốt luôn nhà xây bằng cây Chu Đồng. Nhà Chu Đồng cháy rụi, ba anh em Lang nổi điên, rượt giết hai đứa con Tặm Tạch trong rừng sâu.
II.ĐẠI DỊCH:
Hai đứa con Tặm Tạch bị giết, máu chảy lênh láng, ngấm vào rừng già. Dòng máu chảy đến đâu, sinh ra vô số loài thú dữ, cầy cáo, hươu nai,… Bọn quái thú được mô tả là biết cười một cách nham nhở, độc ác. Trong số chúng, có Moong Lồ là bất thường nhất. Ban đầu mang hình dáng một con mèo, rồi lớn nhanh thành một quái vật khổng lồ.
“ Mình bằng quả đồi
Vú bằng gò mối
Lông Moong vằn vện
Mắt Moong rực hồng
Đuôi Moong bằng cây vông
Vuốt sắc như gai bồ kết.
Khi Moong nằm, đồi bé không che hết lông.
Khi Moong đứng, núi lớn không che hết vú…”
Bọn thú dữ điên loạn, ồ ạt tất công con người. Ngay cả ông bà của Lang cũng bị chúng ăn mất. Ba anh em tên Lang huy động quân dân đi giết Moong Lồ. Cuối cùng bọn chúng thành công, kéo xác Moong Lồ về nhà làm thịt, chia cho tất cả mọi dân tộc loài người.
Tại bãi làm thịt, thịt vụn của Moong Lồ vương vãi khắp nơi. Bọn chó ăn phải, nổi cơn điên loạn, quay sang cắn xé con người. Con người giết kỳ hết chó, vứt xác xuống sông. Cá ăn nhầm xác chó, nôn ói dữ dội rồi cũng trở thành điên loạn. Cá lớn cá nhỏ đông như kiến, tràn khắp các dòng sông lùng giếng nhà Lang. Bọn Lang chỉ huy quân dân giết cá.
Xác cá vương vãi khắp nơi, đến lượt quạ ăn phải, cũng phát điên. Chúng kéo đến đậu khắp nhà Lang, kêu gào inh ỏi. Phải đến khi Lang Cun Khương cầm nỏ bắn chết con quạ đầu đàn, đàn quạ mới cắp xác thủ lĩnh nó bay vào rừng sâu rồi biến mất. Đại dịch đến đây kết thúc.
III.TỐNG KẾT:
Đoạn sử thi này là chi tiết hiếm hoi trong các tác phẩm dân gian Việt mang hơi hướng gần giống với “dịch zombie” ngày nay. Nhưng như đã nói, mọi sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên, nên câu chuyện “ đại dịch Việt Nam” không thể hoàn toàn thoả mãn những tiêu chuẩn của “ dịch zombie” như ngày nay thường hình dung. Tuy vậy, cũng có một số chi tiết độc đáo riêng có thể rút ra hoặc phát triển thêm từ câu chuyện này:
1/- Dựa theo bối cảnh, đây có thể xem là “ đại dịch zombie” xưa nhất từng xuất hiện trong lịch sử loài người: Từ tận thời khai thiên lập địa.
2/- Sự phồn vinh và phát triển của nhân loại ( thể hiện qua hình ảnh ẩn dụ “ chặt cây Chu Đồng”) được kiến tạo dựa trên một tội ác khủng khiếp.
3/- Cùng là “sản phẩm nhân tạo”, nhưng trận dịch này là kết quả của sự nguyền rủa thay vì motip “ phòng thí nghiệm” truyền thống.
4/- Thay vì ảnh hưởng lên người, “ đại dịch” lại ảnh hưởng lên muông thú, lấy con người làm mục tiêu. Mà cần nhớ rằng vào thời cổ đại, rừng nhiều ruộng ít, thú nhiều người ít.
* Hiện nay, tác phẩm có ý tưởng gần với sử thi trên nhất có thể kể đến Jinmen – Thú mặt người. Tuy vậy, manga này chủ yếu nói về xung đột người – thú ( điều mà đa phần chúng ta sẽ nghĩ tới khi sử dụng ý tưởng chiến tranh giữa thú và người.).
Nguồn và Tác giả: Phach Ho Nguyen