Mục lục
Giải độc Thủy Hử Truyện Bài 3:
Giải độc Thủy Hử Truyện Bài 3: Quan điểm đối lập của học giả phương Tây và học giả Việt Nam về Thủy Hử
I. Cách nhìn của một học giả phương Tây về Thủy Hử
Cách đây khoảng 5 năm tôi có dạy chung với một giáo viên người Mỹ, thầy Brian Otroski, một người đã từng sống ở Việt Nam gần 10 năm, lấy vợ người Việt và có bằng tiến sĩ Hán Nôm của đại học xã hội nhân văn Hà Nội. Brian nói tiếng Việt lưu loát như người Việt và rất am hiểu văn học Việt Nam lẫn Trung Quốc.
Tôi đã có nhiều lần thảo luận với Brian về truyện Kiều cũng như Thủy Hử và Tam Quốc Diễn Nghĩa. Qua đó tôi cũng hiểu thêm nhiều về những tác phẩm cổ điển phương Đông qua cách nhìn của người phương Tây. Tất nhiên, với tư tưởng gốc khác nhau, cách nhìn của người phương Tây có thể khác hoàn toàn với cách nhìn của chúng ta về cùng một vấn đề.
Ở đây tôi không muốn đưa ra nhận xét là ai đúng ai sai mà chỉ muốn giới thiệu với mọi người một góc nhìn khác khá thú vị về tác phẩm Thủy Hử theo góc nhìn của một học giả phương Tây trên lập trường: thượng tôn pháp luật, logic, tâm lý và lý tính.
Về mặt tích cực, Brian nhận xét rằng Thủy Hử là một cuốn tiểu thuyết miêu tả vô cùng sống động và chân thực xã hội mạt pháp thời Bắc Tống (hoặc là mượn thời Bắc Tống để phản ánh xã hội cuối Nguyên đầu Minh mà tác giả sinh sống). Đó là một xã hội hoàng đế thì nhu nhược bất tài chỉ biết hưởng lạc, gian thần lộng hành, tham lam, bóc lột dân tận xương tủy và hãm hại người tốt (Cao Cầu là nhân vật điển hình),
dân chúng thì hành xử kiểu giang hồ, mạnh được yếu thua, kẻ có thế có thần thì cậy thế thần, kẻ có tài có sức thì cậy tài cậy sức, từ chốn chợ búa nơi kinh thành cho tới vùng thôn quê hẻo lánh, đâu đâu cũng có cường hào ác bá lưu manh du đãng bức hiếp người dân.
Vương pháp quốc pháp đều không có giá trị, ai làm cướp được thì kéo nhau lên núi dựng cờ làm cướp, ai làm phản được thì làm phản. Theo Brian thì Thi Nại Am phải là một người một là rất dũng cảm, hai là rất chán ghét xã hội mới viết nên Thủy Hử. Điểm tích cực thứ hai theo vị tiến sĩ người Mỹ này là việc Thi Nại Am đã dựng nên một xã hội Lương Sơn Bạc khá đầy đủ các thành phần xã hội và phân công trách nhiệm rõ ràng, đối nghịch với sự hỗn loạn của xã hội chính thống bên ngoài.
Một trăm linh tám đầu lĩnh Lương Sơn Bạc được sắp xếp cơ cấu như một bộ máy chính quyền mang dáng dấp một chính phủ có cơ cấu khá hoàn chỉnh như sau:
a. Tống Giang là thủ lĩnh thực quyền được đa số bọn xuất thân từ giang hồ thảo khấu ủng hộ. Đồng thời Tống Giang cũng là kẻ thừa kế hợp pháp của thủ lĩnh cũ Triều Cái. Tham mưu cho Tống Giang là quân sư Ngô Dụng và bên cạnh Tống Giang luôn kè kè một tay hung thần Lý Quỳ ngu dốt, man rợ nhưng trung thành tột bậc, sẵn sàng vung búa chém chết bất cứ kẻ nào hó hé với Tống đại ca của hắn.
b. Lư Tuấn Nghĩa là thủ lĩnh hư quyền được tuyển vào vì uy tín và xuất thân của ông sẽ khiến bọn có nguồn gốc từ quan lại triều đình như Quan Thắng, Hô Duyên Chước, Từ Ninh, Đổng Bình, Trương Thanh…ủng hộ. Tham mưu cho Lư Tuấn Nghĩa là Chu Vũ, về tài trí đều kém hơn Ngô Dụng một bậc và Yến Thanh cũng hết lòng vì chủ như Lý Quỳ hết lòng vì Tống Giang. Lý Quỳ rất ngán Yến Thanh vì anh này tuy nhỏ con nhưng lanh lợi và có ngón vật rất lợi hại.
c. Bọn tướng lĩnh được đào tạo bài bản như Quan Thắng, Lâm Xung, Tần Minh, Đổng Bình, Từ Ninh, Hô Duyên Chước, Trương Thanh, Dương Chí, Sách Siêu, Hoàng Tín, Tôn Lập và các phó tướng của những người này đóng vai trò là lực lượng quân sự nòng cốt huấn luyện quân lính bày binh bố trận để có thể chiến đấu trong những trận đánh có quy mô lớn với quân chính quy của triều đình.
d. Bọn tướng tá xuất thân từ giang hồ lục lâm thảo khấu như Lưu Đường, Thạch Tú, Trâu Uyên, Trâu Nhuận, Vương Anh, Yến Thuận, Dương Xuân, Trần Đạt, Chu Thông, Lý Trung, Sử Tiến là lực lượng dân quân tự vệ khi tác chiến sẽ yểm trợ cho quân đội chính quy của các tướng xuất thân triều đình.
e. Thủy quân thì có ba anh em họ Nguyễn, Trương Thuận, Trương Hoành, Lý Tuấn, Đồng Uy, Đồng Mãnh.
f. Lo về an ninh là bọn Lôi Hoành, Chu Đồng, Lý Vân, Dương Hùng vốn từng làm đô đầu huyện Vận Thành. Về pháp luật xử phạt thì có Bùi Tuyên là người soạn luật kiêm quan tòa, Sái Khánh, Sái Phúc là áp ngục kiêm đao phủ.
g. Ban tôn giáo thì có Lỗ Trí Thâm và Võ Tòng là sư Phật giáo, Công Tôn Thắng và Phàn Thụy là đạo sĩ của Đạo giáo.
h. Về hành chính và hậu cần thì có Tiêu Nhượng soạn thảo văn bản, Mạnh Khang lo việc cờ phướng, Hầu Kiện lo về quân trang quân cụ, Kim Đại Kiện phụ trách làm ấn tín, Mã Lân và Nhạc Hòa lo tổ chức sự kiện.
Tào Chính lo việc giết mổ gia súc đãi đằng, bếp núc củi lửa do bọn Trương Thanh, Tôn Nhị Nương, Cố Đại Tẩu và Tống Thanh lo liệu. Lăng Chấn lo về đạn dược và thuốc nổ. Về thuốc men bệnh tật đã có bác sĩ An Đạo Toàn. Lo cho đàn ngựa chiến là nhiệm vụ của Úc Bảo Tử, Đoàn Cảnh Trụ và bác sĩ thú y Hoàng Phủ Đoan.
i. Về ngoại giao cao cấp thì không ai tốt hơn là Sài đại quan nhân Sài Tiến, vừa xuất thân danh gia vọng tộc, mặt mũi sáng sủa, học hành đến nơi đến chốn.
j. Tuyển dụng thì có bọn Chu Quý, Chu Phú, Lý Lập mở quán rượu bán và kiêm luôn đưa người nhập bọn lên Lương Sơn.
k. Thông tin liên lạc thì do Đới Tung, người có phép thần hành ngày đi vạn dặm đảm trách. Do thám trà trộn là trách nhiệm của Thời Thiên, Yến Thanh, Giải Trân, Giải Bảo và Dương Lâm.
l. Đặc biệt Brian còn chỉ ra một số đầu lĩnh của Lương Sơn có thể là người nước ngoài hoặc hậu duệ của người ngoại quốc dựa trên hình dáng bên ngoài như Yến Thuận, Hoàng Phủ Đoan, Đoàn Cảnh Trụ đều có ngoại hình cao lớn, mắt xanh, râu tóc vàng hoặc đỏ. Điều này hoàn toàn là có khả năng vì từ đời Đường, người Tây Dương đã có mặt ở Trung Quốc để làm ăn buôn bán.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, ông bạn tiến sĩ Brian cũng chỉ ra một số điều của Thủy Hử mà người phương Tây khó có thể chấp nhận và tiêu hóa nổi.
1. Hành động cảm tính, mang tính ân oán cá nhân hơn vì nghĩa lớn:
Cái gọi là nghĩa khí trong Thủy Hử vốn không phù hợp với lối tư duy logic và lý tính của phương Tây. Các tay hảo hán Lương Sơn manh động giết người phần lớn chỉ vì một lời nói hoặc vì nhận ân nghĩa cá nhân của người khác mà ra tay hành động chứ hầu như không truy xét rõ ràng. Hai cách giải quyết vấn đề của các tay hảo hán Lương Sơn sau khi lỡ tay đánh chết người một là bỏ trốn, hai là tự nộp mình cho quan phủ.
Điều đó cũng chứng tỏ rằng họ hiểu rằng cách giải quyết vấn đề của mình không đúng. Một điều nữa khiến cho độc giả phương Tây cảm thấy khiên cưỡng là danh tiếng của Tống Giang, một anh văn dốt võ nát chỉ là một thư lại bình thường ở Vận Thành. Nếu nói về nghĩa khí giúp người thì Tống Giang không phải là kẻ duy nhất làm điều đó. Vậy thì lý do để các tay giang hồ sẵn sàng sống chết tôn sùng Tống Giang là gì, đây vẫn là điều gây tranh cãi.
2. Vô pháp vô thiên, giết người man rợ:
Đây là điều rất khó được người phương Tây chấp nhận khi đọc Thủy Hử khi đọc những đoạn như Võ Tòng một đêm giết 15 mạng người lầu Uyên Ương trong đó chỉ có Trương Đô Giám, Trương Đoàn Luyện và Tưởng Môn Thần là thực sự đắc tội với Võ, Mười hai mạng người còn lại (gia nhân, tì nữ, tôi tớ…) là vô tội.
Nói theo ngôn ngữ hiện đại, việc thảm sát 15 người rồi dùng máu của nạn nhân viết lời thách thức lên tường của Võ Tòng vượt quá mọi giới hạn của việc tự vệ chính đáng hoặc trả thù cá nhân.
Hình ảnh Lý Quỳ mình đầy máu tươi vun đôi búa chém giết bạt mạng bất kể là quan hay là dân thường khi đánh Dương Châu, Chúc gia trang và phủ Đại Danh cũng là một hình ảnh mang tính ám ảnh khá mạnh đối với nhiều người phương Tây khi đọc Thủy Hử. Sự hiếu sát bất phân thiện ác khiến cho nhân vật Lý Quỷ giống quái vật hơn người.
Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Lỗ Tấn với tinh thần Tây học đã không ngần ngại xếp Lý Quỳ vào danh sách những nhân vật văn học đáng ghét nhất của ông.
Việc Lý Quỳ ra tay sát hại cậu bé con quan tri phủ để buộc Chu Đồng theo hàng lại càng khó chấp nhận. Ngoài ra các cảnh trả thù theo kiểu mổ bụng moi gan Phan Kim Liên, Hoàng Văn Bính, Loan Đình Ngọc để tế vong linh người đã khuất thực sự quá kinh dị đối với phần lớn độc giả hiện đại phương Tây.
3. Ăn thịt người:
Thi Nại Am đã miêu tả khá chi tiết chuyện ăn thịt người không biết tanh của các đầu lĩnh Lương Sơn trong nhiều trường đoạn Thủy Hử. Trương Thanh và Tôn Nhị Nương mở hắc điếm, đánh thuốc mê cướp của còn người thì đem xả thịt làm nhân bánh bao. Vương Anh, Yến Thuận, Trịnh Thiên Thọ moi gan người làm canh giải rượu.
Lý Quỳ sau khi chém chết vợ chồng Lý Quỷ, kẻ giả dạng mình để cướp, thì xả thịt nấu cơm ăn luôn. Hoàng Văn Bính và Loan Đình Ngọc bị các đầu lĩnh Lương Sơn mổ bụng ăn gan uống máu. Chính nhà văn Lỗ Tấn còn bày tỏ sự kinh sợ về sự man rợ của dân tộc mình trước những trường đoạn như thế này.
4. Coi thường và căm ghét phụ nữ:
Ông bạn Brian của tôi nữa đùa nửa thật nói rằng nếu Sigmund Freud mà đọc Thủy Hử thì nhà tâm lý học này sẽ chẩn đoán rằng Thi Nại Am là một ngưởi bất lực mang chứng căm ghét phụ nữ (nguyên văn “an impotent mysoginist”) mặc dù biết rằng tư tưởng trọng nam khinh nữ trong thời phong kiến là điều tất yếu.
Lý do là các nhân vật anh hùng hảo hán của Lương Sơn hầu hết đều lãnh cảm với nữ sắc và các nhân vật nữ trong truyện đều có kết cục rất thảm. Trước hết, Brian chỉ ra rằng cả ba nữ đầu lĩnh của Lương Sơn đều không có tên gọi rõ ràng mà chỉ gọi là cô hai, cô ba, và mợ cả (Tôn Nhị Nương, Hỗ Tam Nương và Cố Đại Tẩu).
Ông coi đây là một sự cố tình xúc phạm phụ nữ, cho rằng họ không đáng có tên tuổi. Thứ hai, phần lớn những người phụ nữ khác trong Thủy Hử đều là hạng lăng loàn trắc nết: Phan Kim Liên tư tình với Tây Môn Khánh giết chồng là Võ Đại Lang, Diêm Bà Tích đanh đá chua ngoa đã gả cho Tống Giang lại còn tư tình với Trương Văn Viễn, Phan Xảo Vân ngoại tình với sư Bùi Như Hải, Giả Thị vợ Lư Tuấn Nghĩa ngoại tình với Lý Cố, con hát Bạch Ngọc Oanh ỷ có thế của người tình là huyện lệnh đánh chửi Lôi Mẫu giữa chợ.
Và dĩ nhiên kết cục của những người phụ nữ này hết sức bi đát: bị các hảo hán Lương Sơn chặt đầu mổ bụng. Bạn tôi cũng chỉ ra rằng hình mẫu anh hùng của Trung Quốc cổ đại phần lớn đều bị tước đi cái quyền làm đàn ông của mình: đã là anh hùng thì không được gần nữ sắc. Triều Cái không lấy vợ, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng giả sư lánh nạn nhưng khi lên Lương Sơn thì vẫn làm sư chứ không hoàn tục lấy vợ,
Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa, Dương Hùng lấy vợ nhưng không màn tới chuyện chăn gối tới để cho các bà vợ này phải ra ngoài vụng trộm rồi bị chính chồng mình giết chết. Yến Thanh mang biệt danh là “lãng tử” vậy mà vẫn trơ như đá khi bị Lý Sư Sư quyến rũ.
Việc xa lánh nữ sắc như tránh tà này là hết sức không bình thường vì trái ngược với hình ảnh anh hùng luôn có mỹ nhân của phương Tây. Một giả thuyết khá buồn cười nhưng cũng không phải không có lý là giả thuyết về mối quan hệ đồng tính của Dương Hùng và Thạch Tú, Yến Thanh và Lư Tuấn Nghĩa, thậm chí là Lý Quỳ với Tống Giang. Tôi nghĩ ông bạn tôi hơi quá đà hoặc quá hài hước nhưng giả thuyết này cũng không thể không xảy ra.
5. Tính thiếu thuyết phục trong việc nhập bọn Lương Sơn của một số đầu lĩnh:
Với cách suy nghĩ lý tính của người phương Tây, bạn tôi Brian rất không đồng ý với những đoạn các đầu lĩnh vốn là tướng lĩnh cao cấp của triều đình, mấy đời công khanh lại dễ dàng nhập bọn với Lương Sơn sau khi bị đánh bại và được Tống Giang khuyên hàng. Lập luận của bạn tôi về vấn đề này là những Hô Duyên Chước, Quan Thắng, Từ Ninh, Hàn Thao, Bành Dĩ, Tuyên Tán… đều là dòng dõi quan chức lâu năm,
hơn nửa đời làm quan (Tuyên Tán còn là quận mã, tức là chồng của quận chúa) , nay mang trọng trách triều đình đi đánh bọn thổ phỉ có nghĩa là họ đã nắm rõ sứ mệnh của mình và với tư tưởng trung quân ái quốc thời phong kiến, việc họ đầu hàng sau vài lời phủ dụ của Tống Giang là hết sức khiên cưỡng và không đúng với diễn biến tâm lý theo cách lý giải phương Tây.
Cho dù họ có bị ép nhập bọn đi nữa cũng khó mà chịu ngồi cùng mâm, ăn chung bàn xưng huynh xưng đệ với bọn du thủ du thực như Lý Quỳ hay Lưu Đường. Cũng như việc Hỗ Tam Nương nhận cha Tống Giang làm cha nuôi rồi chấp nhận gả cho tên thổ phỉ vừa lùn vừa xấu vừa háo sắc Vương Anh theo lời sắp đặt của Tống Giang trong khi Hỗ Gia Trang bị quân Lương Sơn sang bằng, cha chết anh mất tích là hết sức bất hợp lý nếu xét về góc độ diễn biến tâm lý.
Thật ra Thi Nại Am cũng đã thấy được việc bất hợp lý này ngay từ đầu và giải thích điều nghịch lý này bằng thuyết số phận: bia đá do Hồng Thái Úy đào lên ghi đầy đủ tên của 36 sao thiên cang và 72 sao địa sát khiến cho bọn này dù có xuất thân khác nhau ra sao, ân oán thế nào thì cũng không cãi được mệnh trời mà phải tập hợp với nhau tại nơi thủy bạc Lương Sơn
II. Cách nhìn của học giả Việt Nam về Thủy Hử:
Trái ngược với người phương Tây, người Việt Nam phần lớn cảm thấy thích thú và ngưỡng mộ với những nhân vật anh hùng hảo hán Thủy Hử. Bỏ qua những bài bình luận mang tính áp đặt chính trị ca ngợi Lương Sơn Bạc như hình mẫu của cách mạng vô sản mà các nhà phê bình văn học thời cộng sản cố tình lái quan điểm của độc giả vào,
một số nhà văn nhà thơ thời tiền chiến, những người chịu ảnh hưởng của cả hai nền giáo dục Nho học và Tây học cũng công khai ca ngợi bộ truyện này kể cả những chuyện giết người như nghóe của Võ Tòng. Điều này khiến tôi cảm thấy khá ngạc nhiên và có phần hơi bị sốc. Á Nam Trần Tuấn Khải, người dịch Thủy Hử sang tiếng Việt trong bài “Vịnh Thủy Hử” đã viết như sau:
“ Bộ Thủy Hử dịch in năm 1924, tả truyện 108 người nghĩa hiệp, cùng tụ họp với nhau, đem nhiệt huyết trừ quân gian ác, mấy tử sinh cũng chẳng đổi dời. Ai xem đến đều phải múa chân múa tay, cảm phục người xưa, mà lại phấn khởi tấm lòng nghĩa cảm. Nhân dịch xong có bài viết này gọi là cảm vịnh.
Đội trời đạp đất ở đời
Anh hùng thấy giữa trần ai mới già
Xung quanh vẫn nước non nhà
Nỗi niềm tâm sự biết là hỏi ai
Anh hùng thấy giữa trần ai mới già
Xung quanh vẫn nước non nhà
Nỗi niềm tâm sự biết là hỏi ai
Có nhiệt huyết mới nên trang hảo hán
Không kiếm cung sao rõ mặt anh hùng
Đã làm người đứng với non sông
Thì nghĩa lớn báu chung ai chẳng có?
Trí cũng rắp mong xoay vũ trụ
Công danh chi sá vướng cơ mi?
Bước giang hồ để dính chữ tương tri
Trong bốn bể thiếu chi người nghĩa hiệp
Chìm nổi phong trần thường nặng kiếp
Ra vào sinh tử phải liều gan
Lò máu thiêng chung đúc một đoàn
Dẫu đất lở trời tan thôi cũng kệ
Gái như thế, làm trai như thế
Quyền tự do há dễ chịu nhường ai?
Vũng Lương Sơn trăm tám mặt anh ta
Gương nghĩa hiệp để muôn đời soi tỏ
Nâng chén rượu xem câu chuyện cổ
Trong gian sau sực nhớ người xưa
Trăm năm dù có bao giờ? “
Không kiếm cung sao rõ mặt anh hùng
Đã làm người đứng với non sông
Thì nghĩa lớn báu chung ai chẳng có?
Trí cũng rắp mong xoay vũ trụ
Công danh chi sá vướng cơ mi?
Bước giang hồ để dính chữ tương tri
Trong bốn bể thiếu chi người nghĩa hiệp
Chìm nổi phong trần thường nặng kiếp
Ra vào sinh tử phải liều gan
Lò máu thiêng chung đúc một đoàn
Dẫu đất lở trời tan thôi cũng kệ
Gái như thế, làm trai như thế
Quyền tự do há dễ chịu nhường ai?
Vũng Lương Sơn trăm tám mặt anh ta
Gương nghĩa hiệp để muôn đời soi tỏ
Nâng chén rượu xem câu chuyện cổ
Trong gian sau sực nhớ người xưa
Trăm năm dù có bao giờ? “
Phan Khôi, thi sĩ, nhà báo, người được xem là tiên phong của phong trào thơ mới cũng có viết một bài thơ sau khi đọc bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải và gửi cho dịch giả như sau:
“Đời loạn, vua hèn quan giết dân
Ông thần pháp luật đứng bằng chân
Trời sinh thẻo sắt tuồn ra máu
Đổ lại trên đầu lũ bất nhân
Ông thần pháp luật đứng bằng chân
Trời sinh thẻo sắt tuồn ra máu
Đổ lại trên đầu lũ bất nhân
Trăm tám người lính, một vẻ hào
Nằm trên rượu thịt gối thương đau
Xưa nay nổi việc phường này cả
Tú sĩ Vương Luân có kẻ nào?
Nằm trên rượu thịt gối thương đau
Xưa nay nổi việc phường này cả
Tú sĩ Vương Luân có kẻ nào?
Khăn áo hương hoa lạy Võ Tòng
Giết người như bác mới anh hùng
Một đêm đi đứt mười lăm mạng
Hăng máu trên tường nhỏ giọt hồng
Giết người như bác mới anh hùng
Một đêm đi đứt mười lăm mạng
Hăng máu trên tường nhỏ giọt hồng
Võ nghê tuy thường, lượng khác thường
Gần xa suy phục Hắc Tam Lang
Cho hay trong cuộc phong vân đó,
Ai lượng hơn người, ấy chủ trương.
Gần xa suy phục Hắc Tam Lang
Cho hay trong cuộc phong vân đó,
Ai lượng hơn người, ấy chủ trương.
Này vũng Lương Sơn nay ở đâu?
Xa trông che khất mấy ngàn lau
Hát anh bài hát sau bìa sách
Cảm khái riêng ta với ả đầu…”
Xa trông che khất mấy ngàn lau
Hát anh bài hát sau bìa sách
Cảm khái riêng ta với ả đầu…”
(còn tiếp)
Tác giả: vien huynh
Giải độc “Thủy Hử Truyện” Bài 2: Thử bàn về hai chữ “trung nghĩa” trong Thủy Hử.
Giải độc Thủy Hử Truyện Bài 3: Quan điểm đối lập của học giả phương Tây và học giả Việt Nam về Thủy Hử
Các liên kết nội bộ
Tham gia group Thị Trấn Buồn Tênh nhé.Hướng dẫn bình luận review cho bài viết
Hướng Dẫn Tạo Bài Viết Review/Bảng Đánh Giá Cho Bài Viêt
Diễn đàn của website, rất mong mọi người tham gia và góp ý cho website nhé.
Tuyển Cộng Tác Viên
Thư Viện Ebook
Hướng dấn sửa đường dẫn chương
Hướng Dẫn Đăng Chương Mới Trong Truyện Đã Có Sẵn
Đề xuất bài viết cho bạn
Like
0%
Dislike
0%
Cám ơn
0%
Đánh giá cao
0%
Phấn Chấn
50%
Tức Giận
0%
Tức muốn bắn
0%
Buồn
0%
Khóc
0%
Ngầu
0%
Quỷ Dữ
0%
Nhảm nhí
0%
Comments