
Tôi không sinh ra đã là một người đồng tính nam, mà trở thành một người đồng tính nam.
Đây là một tiêu đề gây tranh cãi, vì tôi thay từ đồng tính nam vào phụ nữ và nhại lại một lần nữa mệnh đề của nhà triết học hiện sinh Simone de Beauvoir “Người ta không sinh ra đã là đàn bà, mà trở thành đàn bà”.
Dù cố gắng không dùng thuật ngữ học thuật nào nữa hay loại bỏ hoàn toàn những diễn ngôn mà tôi có trước đây về giới và tính dục, tôi vẫn có phần vướng vào lỗi tư duy cá nhân sẵn có. Mong độc giả tha lỗi cho tôi vì sự hàm hồ này.
Ý định đầu tiên cho tiểu luận này là một chỗ trong cuốn tiểu thuyết “Tên của tác giả” nhưng dường như cuốn tiểu thuyết đã khước từ điều đó, bởi chẳng cần tiểu luận này, nó vẫn khắc họa đủ sự khó khăn dành cho người đồng tính trong xã hội Việt.
Tôi nhớ hồi bé tí, mình bị bạn bè tẩy chay, đánh đập vì có điệu bộ giống con gái. Và khi ấy tôi chẳng biết làm gì, ngoài khóc. Vâng, tôi cực thích khóc, nhìn thấy con chó bị bố đánh nhừ tử vì tội ăn vụng cá, tôi cũng khóc; nhìn thấy một cảnh sướt mướt trên tivi về chị em mồ côi, tôi cũng khóc. Đương nhiên, cái khóc đi cùng với sự chấp nhận dần sự phân biệt đối xử.
Gần nhà, có một gã-bác-họ-tôi (anh em dây mơ rễ má) vô công rồi nghề chuyên xía vào chuyện gia đình khác. Ông ta kể với bố tôi rằng tôi là bê đê, và sau này sẽ không thể nào nối dõi tông đường. Bố nghe thế, đánh đập, chửi bới và bắt tôi phải giống con trai hơn. Và từ “bê đê” khắc sâu vào trí óc tôi như cách bố đã dùng vũ lực để nhồi nó, khắc sâu vào cách tôi nhận ra mình là ai, một thằng bê đê đúng nghĩa!
Lớn lên, bị bạo lực học đường, từng kí ức tôi chợt nảy lên chuỗi ngày mình trở thành trò cười cho cả trường cấp hai. Họ đánh tôi vì tôi là bê đê, vâng, bê đê thì đáng đánh; còn lũ đánh người thì là dị tính (tôi khắc sâu nỗi ám ảnh về quyền lực này). Tôi chẳng biết làm gì, cũng chẳng chơi với nhiều bạn, bọn nó cũng chẳng can ngăn nổi thứ vũ lực tôi từng chịu đựng.
Tôi đã từng đứng trước gương, trần truồng, tự cắt đi hết những phần tóc mỏng, đẹp đẽ để trở thành nham nhở; hai bàn tay với mười chiếc móng, cào nát gương mặt trắng trong của thằng học sinh cấp hai.
…
Lên đại học, tôi đã bắt đầu tiếp xúc với nhiều người giống mình, và bắt đầu biết mình là ai, rằng mình có xứng đáng bị nguyền rủa vì mình lỡ giống con gái không. Tôi chợt nhận ra khi viết dòng này, hóa ra cứ giống đàn bà là bạn sẽ bị nguyền rủa.
Hồi mới lên đại học, tôi đã biết định nghĩa đồng tính là gì, rằng một thằng đồng tính học trường kinh tế, nó sẽ phải đẹp trai, năng động, tài giỏi,… Tôi cố gắng để trở thành như vậy trong thời gian dài.
Sau đó thì sao? Bạn phải làm tình giỏi, thậm chí biết cách làm tình với nhiều thể loại người từ người yêu đến bạn tình lâu dài, đến cả những mối tình một đêm luôn rơi vào quên lãng.
…
Đại học, tôi có một tổ chức riêng mà tôi thành lập, tôi là điều phối nội dung của nhiều tổ chức sinh viên và tôi bắt đầu để ý đến tình yêu của mình.
Tôi không những sống cuộc sống của một kẻ đồng tính, tôi yêu cái cách mà người đồng tính thường yêu. Rằng họ có thể cho bạn một khoảng thời gian tuyệt đẹp kéo dài từ một đến ba tháng; sang tháng thứ tư, họ bắt đầu hủy diệt bạn.
Họ khó chấp nhận việc yêu bạn hoàn toàn dù bạn có thông minh, đẹp đẽ, tài năng đến mấy nếu bạn làm tình kém, hoặc đơn giản “bạn không thỏa mãn họ”.
Và họ sẽ yêu bạn và làm tình với người khác, y như cái cách bạn sẽ làm với nhiều người khác.
Từ bé, tôi đã có duyên tiếp xúc với văn chương, đọc hết Trăm Năm Cô Đơn từ hồi năm lớp tám, tôi biết rằng con người luôn bị ám ảnh bởi cô đơn, và dân đồng tính của tôi thì còn phơi bày cả sự cô đơn để hít lấy hít để những mùi poppers ngắt quãng, rằng họ sẽ khác thể loại người khác – đấu chọi với sự cô đơn đó, và trong vài khoảnh khắc ngất ngây của việc làm tình, họ chợt nhận ra mình quên đi cô đơn, và họ nghiện cảm giác đó.
…
Giới đồng tính chia ra rất nhiều loại người và họ ngang nhiên quyết định nhãn dán của ai đó, bằng cách họ phải làm tình giống thế, và trung thành với nó. Những thế giới đực kinh hãi với “công” “thụ” và tá hỏa nhận ra thứ nước thánh cầu kỳ của đám con nhang đến từ những kẻ hữu cơ trần truồng.
Lạy chúa! Jesus! Tôi đã từng cảm thấy nhục nhã vì quá khứ bị một thằng trai Ngoại Thương đâm dương vật vào hậu môn đến mức tôi kể cho người yêu tôi mọi thứ, ngoại trừ việc này, vì nếu tôi kể ra, em chắc chắn sẽ bỏ tôi!
Tôi hay nhiều kẻ đồng tính bị ám ảnh bởi cơ bắp. Cơ bắp thể hiện sự nam tính, thể hiện điểm rơi bất tận thứ nhãn quan của đồng tính mà được Kundera miêu tả rất tuyệt về cái rốn của phụ nữ trong The Festival of Insignificance.
…
Điều mà tôi chắc chắn nếu em ruột tôi biết tôi đồng tính, nó sẽ hỏi rằng “Thế anh có định cưới vợ không?”. Mọi người sẽ đoán tôi trả lời thế nào? “Anh không biết” có là cách nói tốt nhất?
Rằng tôi cúi người chấp nhận sự khốn khổ của thánh kinh đồng tính, rằng đã là đồng tính, anh phải sống cuộc sống của người đồng tính. Rằng anh không được kết hôn và lau âm hộ đàn bà…
Ơ – tôi bị một cái tát sấp mặt, Atula tá hỏa – tại sao người đồng tính không được lấy vợ? – tôi hỏi Chúa con!
Chúa con trả lời, “Người không thấy mình hèn mạc hay sao mà nói ra câu đấy?”
Vâng, là một người đồng tính, bạn chẳng có quyền lấy vợ, bạn chẳng có quyền biết đâu một ngày đẹp trời nào đó, nghe nhạc Hà Trần và đọc Ulysses, bạn tìm được một người phụ nữ khước từ mọi thứ từ thế giới bạn ghê tởm. Hai người yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên. Và bạn sẽ đến trước cô ta, hôn lên trán, cầu cho cô ta đồng trinh đến cuối đời với lý do “bạn là kẻ đồng tính”
…
Người đồng tính còn bị ám ảnh bởi điều gì nữa? Như tôi đã nói ở trên, họ ám ảnh bởi sắc đẹp của cơ thể và sự tài giỏi của bản thân. Cuộc sống của họ đã khốn nạn đến mức họ nhận ra chỉ những ảo ảnh kiểu cơ thể hay tri thức mới có thể bù đắp được.
Cuối cùng, họ vẫn là những kẻ bị ám ảnh cơ thể, tri thức. ám ảnh cách nhận dạng mình là ai, phô trương tính queer của mình ra để đối diện với người khác:
Tao là XXX, một kẻ đồng tính… Tao sinh ra đã là một kẻ đồng tính
(tùng nghiêm, Funfreedom, 26/4/2019)
Xem tác phẩm khác của tác giả: