
Trinh Thám
Thi thể các thiếu nữ được tìm thấy ở thung lũng Baztán trong tình trạng bị siết cổ, quần áo rách toạc, khuôn mặt biến dạng. Trên vùng kín của mỗi nạn nhân còn được đặt một chiếc txatxingorri - một loại bánh ngọt đặc trưng của vùng. Ngoài ra, người ta còn phát hiện lông động vật ở trên người các nạn nhân. Ngay lập tức, mọi mối nghi ngờ đều hướng đến basajaun - còn được biết đến dưới tên gọi “quý ông trong rừng” một sinh vật có thật trong truyền thuyết.
Vụ án được giao cho thanh tra Amaia Salazar, vốn là người xuất thân từ thị trấn Elizondo - một vùng thuộc thung lũng Baztán. Đó là người phụ nữ thông minh, quyết đoán, được đào tạo bởi FBI, từng chỉ huy nhiều cuộc truy tìm tung tích những kẻ giết người hàng loạt. Với năng lực của mình, cùng sự trợ giúp đắc lực của đồng đội, Amaia Salazar đặt niềm tin mạnh mẽ vào cuộc điều tra nhằm vạch mặt hung thủ. Nhưng quay trở lại nơi gắn liền với tuổi thơ của mình, nơi vẫn còn những người thân trong gia đình lại không phải là nơi khiến cô cảm thấy bình yên. Nhất là một trong hai người chị của Amaia không hề chào đón sự xuất hiện của em gái mình.
Áp lực Amaia phải chịu ngày càng lớn khi mà vụ án lâm vào ngõ cụt và những ký ức ám ảnh của tuổi thơ bỗng trỗi dậy mãnh liệt khiến buộc cô buộc phải đối mặt với góc khuất của chính bản thân mình.
Bởi lẽ, vụ án này có mối liên hệ chặt chẽ với quá khứ - vốn là chấn thương tâm lý sâu kín mà cô luôn muốn chạy trốn suốt nhiều năm qua - của chính thanh tra Amaia.
Đam mê và sự điên cuồng hòa quyện với nhau tạo nên một tác phẩm vô cùng bí ẩn, lôi cuốn và kịch tính về văn hóa, tín ngưỡng xứ Basque. Sự huyền bí của tác phẩm thể hiện sinh động ở những chi tiết: hiện trường gây án, nữ thần Maria, tiên nữ và phù thủy… Tác phẩm đặc tả xứ sở Navarre với núi non trùng điệp, rừng sâu hun hút và sông nước mênh mang… tạo nên sự hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, làm say lòng độc giả.
Thanh Vân
Review Vệ Sĩ Vô Hình

Review Vệ Sĩ Vô Hình
Vùng quê yên lành xứ Basque, Elizondo, ở thung lũng Báztan, bỗng chấn động vì chuỗi án mạng ghê rợn của kẻ sát nhân hàng loạt. Nạn nhân là những cô gái trẻ thậm chí có người chưa đến 20 tuổi, bị siết cổ, quần áo bị xé rách, gần như trần truồng, hai bàn tay nạn nhân đặt xuôi theo người bàn tay ngửa lên, một chiếc bánh thật ngon lành đặt trên vùng bụng dưới nạn nhân. Như thể một nghi lễ rùng rợn.
Thanh tra Amaia cùng các đồng sự được lệnh quay về đây phá án. Lý do vì Elizondo lại chính là quê của Amaia. Một nơi che giấu quá khứ đen tối, đau đớn mà Amaia thực sự chỉ muốn quên đi, chỉ muốn trốn tránh. Quá khứ ấy không chỉ đến từ bà mẹ đẻ bị tâm thần của Amaia, luôn luôn đánh đập và hành hạ cô, thậm chí còn suýt giết chết cô khi còn bé. Không chỉ đến từ hai bà chị gái, Ros và Flora, một người thì nhu nhược, ngu ngốc trong tình yêu, còn một người thì khinh miệt, chỉ nhăm nhăm cơ hôi sỉ nhục, xúc phạm Amaia và mọi thành viên trong nhà. Mà nó còn đến từ mùa đông lạnh lẽo ở Elizondo, từ những hồn ma bóng quế basajaun, những bà tiên, những phù thủy lẩn quất trong những câu chuyện thần tiên của người dân xứ này. Liệu Amaia cùng các đồng sự sẽ phải làm gì, sẽ phải vật lộn với quá khứ đau đớn như thế nào để phá án? Liệu những án mạng là do quỷ basajaun hay hung thủ gây ra?
Mình chưa bao giờ nghi ngờ gu thẩm định tiểu thuyết trinh thám của NXB Phụ Nữ. Và bộ ba tác phẩm trinh thám xứ Basque này cũng vậy. Vệ Sĩ Vô Hình đúng là một chuyến đi tàu lượn khiến ta ngộp thở, bởi vô số tình tiết dồn dập, của án mạng ghê rợn, của công tác điều tra, của những mâu thuẫn gia đình và của những hồn ma bóng quế ẩn sâu trong đức tin của người dân TBN. Truyện dài hơn 400 trang nhưng không hề gây nhàm chán. Đọc Vệ Sĩ Vô Hình khiến tôi liên tưởng đến các tác phẩm trinh thám tâm lý khác của vùng Bắc Âu như truyện của Jo Nesbo, Camilla Lackberg v.v…
Với bầu không khí mùa đông tuyết rơi lạnh giá, với vùng quê tưởng chừng như yên bình nhưng lại cất giấu không biết bao nhiêu bí mật lạnh xương sống, với những mâu thuẫn trong nội bộ cơ quan điều tra và cuối cùng, hình tượng người thanh tra hiện lên với đầy những vết thương trong tim và những mâu thuẫn gia đình của thanh tra, của nạn nhân và thủ phạm. Tất cả như bao vây, như đổ ụp xuống hình tượng người thanh tra đơn độc, mạnh mẽ đấy nhưng cũng yếu đuối đấy với một trái tim đầy những vết xước.
Dolores Redondo đã xây dựng nên những hình tượng nhân vật khó quên cả chính lẫn phụ. Lâu lắm mình mới lại gặp hình ảnh nữ thanh tra tuyệt với thế này, mình rất thích Amaia. Thích nàng từ cái tên của nàng rồi ý. Trong cuốn này Amaia gần như toàn phải tự lực chiến đấu. Cô quay cuồng đối phó với những đồng nghiệp nam không tin tưởng mình, với tên hung thủ khôn ngoan, điên loạn, đối phó với đám mây truyền thuyết hồn ma bóng quế âm u nửa thực nửa hư và cả không khí gia đình ngột ngạt, đầy những ám ảnh đau đớn ghê rợn luôn khiến Amaia gặp ác mộng ngay từ hồi bé cho đến tận khi trưởng thành rồi, cuối cùng là những mâu thuẫn giữa chính cô với chồng vì chuyện sinh con.
Nhưng rồi từng bước Amaia đã hóa giải tất cả. Đọc truyện mình rất thích bà Engrasi, một thiên thần hộ mệnh đúng nghĩa đối với Amaia. Đặc biệt là các chi tiết này không hề thừa thãi, mà phần nào đó đóng góp vào tình tiết phá án. Càng về cuối truyện càng dồn dập, tình tiết kịch tính ngày càng được đẩy lên cao.
Còn bây giờ là chê: Dolores Redondo gần như hơi sa đà vào các phong tục tập quán, vào việc tả cảnh sắc đất nước TBN nên nhiều đoạn quá dài dòng, mình phải đọc lướt đi. Thứ hai là các chi tiết ma quỷ, thần tiên và phù thủy xuất hiện quá nhiều trong truyện. Mặc dù tình tiết quan trọng hỗ trợ phá án là nhờ công của máy móc phân tích pháp y và bộ óc suy luận tuyệt vời của Amaia, thế nhưng có chi tiết Amaia phải nhờ đến truyền thuyết xa xưa thì mình không phục lắm. Thứ nữa là phần dịch thuật và biên tập vẫn chưa được mượt lắm, hy vọng sẽ được cải thiện ở hai cuốn tiếp theo.
Khác
Blog: Thị Trấn Buồn Tênh
Facebook: Thị Trấn Buồn Tênh
Tác giả: Quang Huy Nguyễn
[rank_math_rich_snippet]