
Kết Hôn Với Người Chết
Helen Georgesson, bụng mang dạ chửa sắp đến ngày sinh, hậu quả của thằng người tình cũ, vạ vật trên chuyến tàu với chỉ 17 xu trong túi. Trên tàu cô làm quen với cặp vợ chồng Patrice và Hugh Hazzard. Hai bên kết bạn với nhau mà đâu ngờ rằng con tàu sắp gặp tai nạn. Cả hai vợ chồng sẽ cùng bỏ mạng. Helen sẽ sinh con ngay trên tàu và mạo danh thân phận của Patrice Hazzard, từ đây cuộc đời của hai mẹ con cô sẽ bước sang một trang mới. Mẹ con cô sẽ có một mái nhà che nắng mưa, sẽ có thân phận, sẽ có địa vị và tình yêu. Mặc dù nó trong thực tế nó chẳng dành cho mẹ con cô. Chỉ là mạo danh, là giả vờ là đánh cắp. Cuộc sống mới, tương lai mới phải chăng sẽ hạnh phúc hơn, sẽ là thiên đàng hay địa ngục cho Helen?
Bước vào gia đình Hazzard bề thế, tai to mặt lớn Helen không biết thứ đón chờ cô sẽ là họa hay phúc. Cô chỉ cần một mái nhà yên ổn cho con trai trong thế cùng đường. Woolrich đã miêu tả nỗi sợ hãi rất ấn tượng trong tác phẩm này. Nỗi sợ kéo dài từ trang đầu tiên cho đến trang cuối cùng. Đúng vào lúc cô ngỡ rằng mẹ con mình đã tìm được bến đỗ mới bình yên, và ngấp nghé ngưỡng cửa tình yêu mới thì thằng người tình cũ của Helen xuất hiện, tống tiền cô. Cả thế giới sụp đổ. Nỗi sợ bị gia đình Hugh phát hiện, nỗi sợ bị tống tiền, nỗi sợ tương lai sẽ vỡ nát, nỗi sợ hãi khi bị dồn đến đường cùng, nỗi sợ vì phải mang danh là kẻ lừa đảo, nỗi sợ lương tâm bị vấy bẩn và nỗi sợ sẽ đánh mất tình yêu mới tìm thấy tất cả cuộn tròn, xoáy tít mù bóp nghẹt trái tim Helen. Đã bao nhiêu lần cô muốn bỏ đi, muốn thú thật hết nhưng không thể. Woolrich chậm rãi để nỗi sợ bao trùm khắp truyện, hết nỗi sợ này đến nỗi sợ khác. Đỉnh cao của ông thể hiện ở hai tình tiết. Thứ nhất là khi lần đầu tiên Helen nhận được lá thư tống tiền của thằng người yêu cũ. Từng lá, từng lá gửi đến gia đình Hazzard với chỉ một dòng mỗi lá mang đầy tính đe dọa, không đề tên người gửi. Helen cứ thế sợ hãi đến cùng cực, lo sợ bí mật sẽ bị phát hiện, sẽ bung bét ra hết. Và hai mẹ con cô sẽ bị tống cổ ra ngoài đường. Nỗi sợ những lá thư, không dám mở thư ra đọc được Woolrich miêu tả thật chậm chạp, nỗi căng thẳng cứ thế tăng dần. Sự khủng hoảng tinh thần của Helen được lột tả sắc nét, như có thể nhìn thấy được, cảm thấy được. Thứ hai là ở phần cuối truyện khi mọi thứ ngỡ rằng đã xong xuôi, nhưng nỗi sợ hãi vẫn không thôi đeo bám hai vợ chồng Helen và Bill. Rốt cuộc ai đã làm chuyện đó? Rốt cuộc hung thủ là ai? Đến đây hình thành nỗi sợ hãi mơ hồ. Ngay cả khi cơn ác mộng thực sự đã qua đi, nhưng những cơn ác mộng khác lại ập đến thế chỗ. Nó ở ngay đó, nó len lỏi vào trong trái tim hay vợ chồng và nằm yên đó. Ám ảnh họ mãi mãi.
Trong Kết Hôn Với Người Chết, nỗi sợ hãi vừa vô hình vừa hữu hình còn đậm đặc hơn, dai dẳng hơn so với Ám Ảnh Đen. Đó là khi tác nhân gây ra sợ hãi đã không còn nhưng nỗi sợ vẫn nằm nguyên đó. Đó là nỗi sợ hãi của lương tâm, của sự cắn rứt. Truyện bắt đầu từ các lá thư và kết thúc cũng bằng những lá thư. Woolrich đã khéo léo đẩy tình tiết dằn vặt của hai vợ chồng từ cuối lên đầu tạo không khí ám ảnh thu hút. Thế nên đọc xong trang cuối bạn có thể quay lại trang đầu để… đọc lại. Nỗi sợ hãi vì thế cứ quay vòng không dứt. Ngột ngạt, ám ảnh và bế tắc.
Tác giả: Quang Huy Nguyễn