
Giai Oan Cho Tào Tháo
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, có hai nhân vật đại gian đại ác bị người đời nguyền rủa là Đổng Trác và Tào Tháo. Trong khi tuyệt đại đa số đều đồng ý rằng Đổng Trác xứng đáng bị phỉ nhổ thì ngược lại, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa sau này có cách nhìn khách quan và công bằng hơn đối với Tào Tháo.Ý thức hệ “trung quân” của Nho giáo đã khiến cho nhân vật Tào Tháo bị bôi nhọ nghiêm trọng, biến ông thành đệ nhất gian hùng của mọi thời đại. Đối với tôi, Tào Tháo không phải là gian thần, cũng không phải là một anh hùng theo tiêu chuẩn của Khổng Nho mà là một tuấn kiệt của thời loạn.
Khác với chủ nghĩa anh hùng cá nhân với cái tôi cá nhân quá lớn và trung thành với những lý tưởng cứng nhắc, tuấn kiệt là kẻ thức thời và có tầm nhìn rộng lớn vượt cả sự khen chê tầm thường của người đời để làm nên đại nghiệp. Tuấn kiệt khi cần có thể hạ mình để bảo toàn mạng sống vì họ biết rằng sứ mạng của mình không thể vì một chuyện vớ vẩn mà bị hủy hoại, còn anh hùng vì muốn để lại chút hư danh, không biết phân nặng nhẹ, cả mạng mình cũng sẵn sàng thí. Hồi 21 trong Tam Quốc, khi ngồi luận anh hùng với Lưu Bị, Tào Tháo đã đưa ra hình ảnh con rồng để nói về một “anh hùng” mà theo tôi đó là hình ảnh của một “tuấn kiệt” như sau: “Con Rồng biến hóa có khi to, khi nhỏ, lúc bay cao, lúc ẩn kín. Khi vươn mình to lớn thì cuộn mây, phun mù. Khi thu hình nhỏ bé để tàng hình ẩn tích. Lên cao thì bay lượn khắp vũ trụ. Tạm ẩn thì chìm lặng dưới ba đào. Nay đang tiết xuân, rồng thừa thời mà biến hóa, cũng như con người gặp khi đắc chí, tung hoành. Con rồng trong loài vật cũng ví như người anh hùng trong đám người.” Con rồng đó chẳng phải là Tào Tháo hay sao? Đây cũng là đoạn tôi tâm đắc nhất khi đọc Tam Quốc.
Nói về tiêu chuẩn “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” của Nho giáo, Tào Tháo không thiếu bất cứ một điều nào, thậm chí “ngũ thường” của Tháo còn vượt xa cái “ngũ thường” tầm thường của bọn hủ nho ngu muội. Tôi sẽ phân tích cho mọi người thấy rõ thế nào là “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” của Tào Tháo:
1. Nhân: Đổng Trác làm thái sư khát máu giết người vô số, biến Lạc Dương từ một kinh thành trù phú thành một đống đổ nát. Tào Tháo làm thừa tướng ngoài thanh trừng những kẻ chống đối, ông không bao giờ lạm sát thường dân. Tháo dẹp loạn chư hầu cũng vì mục đích an dân vì ông thấy dân chúng đã quá khổ sở sau bao nhiêu năm chiến tranh liên miên của lũ chư hầu đầu đất tham lam. Tháo trân trọng thành quả của người dân lao động. Hành động ông ra lệnh cho quân lính khi hành quân qua ruộng lúa phải xuống ngựa nâng từng bông lúa không dẫm đạp bừa bãi, ai trái lệnh chém đầu đã thể hiện được cái nhân của Tào Tháo. Trong thời loạn, mạnh ai nấy cướp mạnh ai nấy giết, có ai nghĩ tới dân như Tào Tháo. Người đời cho việc Tào Tháo giết Lữ Bá Xa là bất nhân, nhưng tôi lại cho đó là nhân. Khi phát hiện ra mình giết nhầm cả nhà Lữ Bá Xa, Tháo buộc phải giết luôn Lữ Bá Xa khi gặp ông này mua rượu về đãi mình vì hai lý do: 1. Lữ Bá Xa tuổi cao sức yếu sẽ không chịu nổi đả kích khi thấy cả gia đình mình bị giết khi về tới nhà. Nếu có sống thì ông này cũng vô cùng đau khổ và cũng không có ai chăm sóc lúc tuổi già. 2. Hơn nữa, nếu Lữ Bá Xa báo quan thì chẳng những Tào Tháo chết mà liên lụy luôn Trần Cung đi theo. Đó mới là bất nhân.
2. Nghĩa: Nếu không vì nghĩa sao Tào Tháo dám nhận nhiệm vụ nguy hiểm hành thích Đổng Trác? Hành thích không thành, chính Tháo là người phất ngọn cờ chống Đổng Trác tới cùng vì Tháo cực kì căm ghét những hành động bất nhân bất nghĩa của Trác. Ngay khi đám liên quân ô hợp chống Đổng Trác dưới sự lãnh đạo yếu kém của minh chủ Viên Thiệu tan rã sau vài trận đánh, Tào Tháo và Tôn Kiên là hai người vẫn kiên quyết chống Trác. Tào Tháo nếu không có nghĩa khí sao có thể thu phục được rất nhiều nhân tài cả văn lẫn võ và điều đặc biệt là tuyệt đối không có một mưu sĩ hay tướng quân nào dưới trướng Tào Tháo làm phản. Quan Vũ dũng mãnh, Lữ Bố cũng là đệ nhất chiến thần nhưng Tháo giết Lữ Bố không thương tiếc vì Tháo ghét Bố bất nghĩa sớm đầu tối đánh. Còn đối với Quan Vũ, Tháo vừa tôn trọng vừa kính phục về nghĩa khí và lòng trung thành nên Tháo hết mực hậu đãi mặc dù biết Vũ không chịu về với mình. Cũng vì yêu nghĩa khí nên Tào Tháo đã ra lệnh quân lính không bắn tên vào Triệu Vân ở trận Trường Bản để Vân toàn mạng vượt vòng vây bảo vệ ấu chúa về với Lưu Bị.
3. Lễ: Tháo dùng lễ đãi Quan Vũ cũng như với các tướng dưới quyền, đối với binh sĩ tình như cha con. Khi thua trận đánh Trương Lỗ, con trưởng Tào Ngang tử trận cùng với mãnh tướng Điển Vi, Tháo làm ma chay cho Điển Vi cũng hậu như làm ma chay cho con mình vì Vi liều mình chặn đường địch cho Tháo chạy thoát. Dưới trướng Tào Tháo có rất nhiều mưu sĩ nổi tiếng như chú cháu Tuân Du, Tuân Úc, Trình Dục…đều là những kẻ xuất thân khoa bảng rất trọng lễ giáo. Không dùng lễ đối đãi họ, họ đâu dễ phục tùng. Thậm chí học sĩ Trần Lâm viết hịch chửi mắng Tháo không tiếc lời, Tháo vẫn dùng lễ đối đãi khiến Lâm quy hàng. Ngay cả đối với mẹ Từ Thứ, người vừa dùng nghiên mực ném vào mặt Tào Tháo và thóa mạ nặng lời, đến khi bà treo cổ tự sát để nhất quyết ngăn cản con trai phục vụ cho Tào Tháo, ông vẫn an táng bà rất hậu và không hề ngược đãi Từ Thứ.
4. Trí: Thật không công bằng khi ca ngợi cái “trí” của Gia Cát Lượng nhưng lại chê cái “trí” của Tào Tháo là “gian”. Tháo ngược lại, làm việc gì cũng nghĩ tới chuyện lớn. Rải rác trong Tam Quốc là những đoạn cơ trí hơn người của Tào Tháo từ chuyện dâng đao cho Đồng Trác khi hành thích không thành, tới chuyện dùng rừng mơ trước mắt để tăng sĩ khí cho đoàn quân đói khát hay mượn đầu quan giữ kho Vương Hậu an lòng quân. Chỉ có Tháo mới có đủ trí tuệ nhận thấy được dã tâm của Lưu Bị đằng sau vẻ ngoài nhân từ chính nghĩa trong chuyện uống rượu luận anh hùng khiến Lưu Bị sợ đến rơi đũa. Tuyệt trí của Tào Tháo là trận Quan Độ với chưa tới bảy vạn quân đã đánh tan đạo quân 70 vạn của Viên Thiệu, cơ bản bình định trung nguyên khỏi cuộc chiến tranh giành quyền lực liên miên của các thế lực quân phiệt. Cái trí của Tào Tháo còn khiến cho một kẻ quyền biến cơ mưu bậc nhất nhì trong Tam Quốc là Tư Mã Ý hoàn toàn tâm phục khẩu phục thì đó không phải là cái trí tầm thường.
5. Tín: Một kẻ được xem là tráo trở gian hùng như Tào Tháo lại là kẻ chấp tín nhất trong Tam Quốc. Từ Thứ về với Tào Tháo nhưng giao kèo sẽ không hiến kế cho Tào, Tào chấp nhận và không làm khó làm dễ. Quan Vũ về hàng ra với điều kiện trái khoáy sẽ bỏ đi bất cứ lúc nào nếu nghe được tin của Lưu Bị, Tháo chẳng những không giận mà còn thả cho đi, không lệnh cho người truy sát. Ban lệnh cho quân lính không giẫm đạp lúa của dân, ai trái lệnh chém đầu. Tới khi ngựa của Tháo vì hoảng sợ mà xéo nát lúa dân, Tháo chấp tín cắt tóc thay đầu để răn binh lính. Trong suốt quá trình dựng nghiệp, Tháo chưa hề bạc đãi một người nào có công với mình. Một người chủ soái giữ chữ tín như vậy từ trên xuống dưới muốn thất tín và bất trung cũng khó.
Ngoài tài năng quân sự xuất chúng, Tào Tháo còn là một nhà chính trị kiệt xuất vì ông có tầm nhìn về kinh tế. Điều này nâng tầm của Tháo lên cao hơn hẳn với bọn quân phiệt tầm thường chỉ biết cướp bóc hiếp giết. Khi đưa Hán Hiến Đế về Lạc Dương đổ nát do Đổng Trác và sau đó là bọn Lý Thôi và Quách Dĩ cướp bóc đốt phá, Tào Tháo đã xây dựng lại Lạc Dương trù phú và thái bình, thoát khỏi nạn giặc giã kéo dài hơn trăm năm, trở thành kinh đô vững mạnh. Mỗi khi chiếm được một thành nào từ tay các thế lực quân phiệt, Tháo và các tướng đều lo đến việc an cư lạc nghiệp cho dân như làm thủy lợi, giảm thuế khóa, khuyến nông. Các tướng của Tào Tháo như Hạ Hầu Đôn, Nhạc Tiến, Lý Điển đều có công đắp đê, đào kênh dẫn thủy ở khu vực sông Hoàng Hà phát triển nông nghiệp.
Và cuối cùng, Tào Tháo còn là một nhà thơ nổi tiếng thời Tam Quốc, cả hai con ông là Tào Phi và Tào Thực cũng có tài thi phú trong đó nổi trội nhất là Tào Thực, với tài “thất bộ thành thi” (đi bảy bước làm xong một bài thơ). Trong ba nhân vật Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền, con cái của Lưu Bị là Lưu Thiện và con Tôn Quyền la Tôn Hạo chẳng làm nên được trò trống gì ngoài việc ăn chơi hưởng lạc đem hết công sức của cha ông đổ sông đổ biển thì cả năm người con của Tào Tháo đều có tài năng và thực lực. Con trưởng Tào Ngang từ nhỏ đã theo cha nam chinh bắc chiến, không may tử trận khi còn rất trẻ. Con thứ hai Tào Chương thống lĩnh quân đội, là một chiến tướng có tài. Con thứ ba Tào Phi từ nhỏ đã có dã tâm không kém cha mình thậm chí còn dám phế vua lập nhà Ngụy, con thứ tư Tào Thực nổi tiếng về tài thơ văn và con út Tào Xung 9 tuổi đã nổi tiếng thần đồng với bài toán cân voi bằng thuyền. Câu “hổ phụ sinh hổ tử” áp dụng vào cha con Tào Tháo quả không sai.
Nếu thử nhìn lại giai đoạn Tam Quốc nếu không có Tào Tháo xuất hiện thì chiến tranh loạn lạc lại sẽ tiếp tục xảy ra giữa các thế lực Viên Thiệu, Viên Thuật, Trương Tú, Trương Lỗ, Lữ Bố, Lưu Bị, Tôn Quyền…sinh linh sẽ tiếp tục đồ thán. Nhưng tiếc thay, các sử gia của chế độ Nho giáo không hề khách quan khi nhận xét về Tào Tháo và gán cho vĩ nhân này nhiều tội danh bất công. Tại sao lại như vậy? Có ba nguyên nhân dẫn tới sự khinh miệt đối với Tào Tháo:
1. Xuất thân của Tào Tháo: Nếu Lưu Bị là dòng dõi vua chúa nhà Hán, Tôn Quyền gốc gác quý tộc Giang Đông ba đời, Viên Thiệu cũng là gia đình danh gia vọng tộc thì lý lịch của Tào Tháo có một vết đen: cha của Tháo là Tào Tung, vốn họ Hạ Hầu nhưng vì nhà nghèo nên nhận thái giám Tào Đằng làm cha, đổi sang họ Tào. Mà thái giám là thân phận bị khinh rẻ trong xã hội phong kiến cộng thêm loạn “thập thường thị’ (mười thái giám) dẫn đến họa Đổng Trác nên xuất thân của Tào Tháo khiến ông các nho sĩ đả kích một cách bất công theo kiểu xét lý lịch không trong sạch.
2. Cách hành xử của Tào Tháo: Có thể thấy rõ ràng Tào Tháo không hề hành xử đúng chuẩn mực anh hùng của Nho giáo, tự tử để giữ tròn danh tiết. Khi không hành thích được Đổng Trác, Tháo vội quỳ xuống dâng con dao quý để thoát nạn. Khi bị thua trận quân địch truy đuổi phía sau, Tháo không ngần ngại cắt râu để người khác không nhận ra mình, hoàn toàn trái với đạo lý “râu tóc da thịt là của cha mẹ cho ta, không được vô cớ hủy hoại”. Khi bị Quan Vũ chặn ở Hoa Dung Đạo, Tháo cũng sẵn sàng xuống ngựa để năn nỉ khóc lóc xin con đường sống. Đối với Nho gia, đây là một điều cực kì sỉ nhục. Nhưng tôi nghĩ Tào Tháo không vì chữ sĩ tìm mọi cách bảo toàn mạng sống không phải vì ông không biết nhục hoặc tham sống sợ chết mà vì ông biết rằng mạng của ông rất quý, phải giữ lại để làm việc lớn. Đó là cái nhìn của kẻ tuấn kiệt thức thời, vượt quá tầm nhìn hạn hẹp của bọn hủ nho chỉ biết đọc sách.
3. Sự chuyên quyền lộng hành của Tào Tháo: Đây là nguyên nhân chính khiến Tào Tháo bị bọn Nho sĩ căm ghét vì Tháo lạm quyền bức hiếp Hán Hiến Đế và giết hại những kẻ trung với Hiến Đế. Trong mắt Tháo, Hiến Đế chỉ là đứa trẻ hàng con cháu, mang tiếng là vua nhưng lại bất tài vô dụng, không được Tháo cứu giá thì ngay cả cái mạng cũng không còn. Nên về căn bản, Hiến Đế trên danh nghĩa là vua nhưng Tháo làm sao có thể kính trọng được. So với lũ quan đầu bạc quỳ lạy tung hô một đứa trẻ miệng còn hôi sữa bất tài, Tào Tháo sống thực hơn nhiều. Nhưng Tào Tháo không làm những chuyện vô đạo như Đổng Trác như vào cung gian dâm với cung nữ của vua hay ép vua thoái vị. Ngay cả trước khi qua đời, Tháo vẫn không có ý định soán ngôi vua của Hiến Đế mặc dù về thực lực ông hoàn toàn có thể.
Rõ ràng, hình ảnh Quan Vũ anh hùng theo đúng quan niệm Nho giáo: võ công cao cường, trung thành với chế độ và sẵn sàng tuẫn tiết khi thất bại là một hình tượng của giai cấp phong kiến dựng lên và ca tụng một cách có dụng ý từ tác phẩm “Tam Quốc Diễn Nghĩa” cho tới những đền miếu thờ phụng khiến nhiều thế hệ bị mê muội và cuồng tín, cho rằng đó là tấm gương sáng cần phải noi theo. Nhưng thực tế, nếu những người làm việc lớn ai cũng xử sự lỗ mãng, ngang ngược và cảm tính như Quan Vũ chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại vì họ chỉ có cái dũng tầm thường của kẻ vũ phu mà thiếu cái trí của một chính trị gia có tầm nhìn chiến lược. Tào Tháo là điển hình của một tuấn kiệt thức thời và có đủ tài để thống nhất thiên hạ vượt qua những thứ lễ giáo tầm thường. Tiếc thay những thiên tài kiểu này thường bị ý thức hệ của một giai cấp hoặc chế độ vùi dập. Trong lịch sử Việt Nam, hoàng đế Gia Long Nguyễn Ánh cũng là một người như thế. Tuy nhiên, lịch sử rất công bằng, nó sẽ trả lại danh dự và vị trí xứng đáng cho những người có công cho dù điều đó có thể là muộn màng. Để thay đổi vận mệnh của quốc gia và dân tộc, tìm những người vũ dũng và sẵn sàng liều thân để được tôn vinh như Quan Vũ không khó, nhưng để tìm được người sẵn sàng chịu tiếng đời nguyền rủa nhưng làm được đại sự như Tào Tháo quả là khó.
Tác giả: Vien Huynh
Bài viết gốc: ………
Các liên kết nội bộ
Tham gia group Thị Trấn Buồn Tênh nhé.Hướng dẫn bình luận review cho bài viết
Hướng Dẫn Tạo Bài Viết Review/Bảng Đánh Giá Cho Bài Viêt
Diễn đàn của website, rất mong mọi người tham gia và góp ý cho website nhé.
Tuyển Cộng Tác Viên
Thư Viện Ebook
Hướng dấn sửa đường dẫn chương
Hướng Dẫn Đăng Chương Mới Trong Truyện Đã Có Sẵn