
Mục lục
Kỹ năng viết
Thật ra là viết cho vui vậy chứ nếu xét về góc độ nào đó thì kẻ viết này viết khá kém, hầu như kẻ viết phải rèn luyện rất nhiều, nhất là phần viết blog là quá trình gian nan, nó khác xa với việc viết đơn thuần; bởi vốn dĩ viết blog là đánh vào nhu cầu của người đọc hoặc vào một mảnh chủ đề nhất định mà độc giả ưa thích theo mảnh đó nhất định, nếu không, kẻ viết này cam đoan với bạn rằng bạn đã đi sai hướng hoặc thất bại.
Kẻ viết này không phải viết bài này để dạy cách (nhất là dạy đời) cho bạn, mà chỉ khuyên chân thành về lối viết, cũng như kẻ viết này không phải là kẻ chuyên văn, cũng không giỏi văn và cũng phải là kẻ có tiếng trong giới văn hay viết cả, chỉ đơn giản là đưa ra giải pháp, cho bạn lẫn cả kẻ viết này theo một hướng tốt đẹp hơn.
Hơn nữa, việc lợi ích viết thì hẳn ai cũng biết rõ, hoặc không biết thì có thể google để tìm nguồn lợi ích của nó, tuy nhiên, quá trình viết trên trang giấy hay trên máy tính thật sự rất khó, bởi khi viết bạn sẽ rơi vào ma trận càng viết càng bí, càng viết càng không hiểu mình đang viết cái gì hay viết giữa chừng rồi não của bạn không thể nào tiếp tục nặn ra chữ được nữa. Việc này có thể quy vào việc bộ não của bạn bị vắt kiệt sức và rơi vào trạng thái dừng lại, muốn ngủ hay bị stress quá nặng sau khi viết, điều này xảy ra là tín hiệu đáng mừng vì bạn đã đi giới hạn của bộ não; và sau đó bạn chỉ cần nghỉ ngơi, rồi lại tiếp tục viết tiếp sẽ tăng thêm giới hạn, càng lúc càng lớn. Tựa như thể lực của bạn đang lúc chạy trên đường là rất yếu, nhưng bạn chỉ cần nghỉ ngơi và tiếp tục tập nữa, cho tới khi nào đã chạy đường xa mà không thấy mệt mỏi hay kiệt duệ thì đó là lúc sức bền của bạn rất cao, thì đối với việc viết cũng tựa như vậy.
Quá trình viết không đơn giản là nghĩ rồi sẽ làm được
Trong quá trình viết, nhất là các chủ đề khác nhau hay trung thành vào một chủ đề hay thể loại nhất định, bạn sẽ cảm thấy đôi lúc bí, chẳng nghĩ ra được điều gì hay ho hơn, rồi cuối cùng tạm gác Viết lại sang một bên, nhường cho các công việc khác, thì đối với mình cũng vậy, đôi khi là viết cho đã, đến cả 10 trang giấy, rồi sau đó đọc lại (có khi là viết cho lắm rồi không thèm đọc) tự hỏi mình đang viết về cái gì? Hoặc đã vượt quá xa cho việc đặt sẵn tiêu đề và nhận thấy đã vượt qua quỹ đạo sẵn có, hoặc tệ nhất là bạn chỉ viết cho thỏa thích, viết cho đầu óc khỏi suy nghĩ hay nôn ra những con chữ sau khi đã đọc hàng đống sách thì cần làm là viết ra hết sau đó không cần đọc lại thêm lần nào nữa rồi lại xóa sạch bài viết sau hàng đống thời gian đã bỏ ra mà không cần hối tiếc.
Nhìn chung, quá trình viết có thể khó, có thể dễ; khó là bởi không phải lúc nào cũng nặn được chữ và lên dàn ý tưởng, rồi viết ra, có khi viết trong bài viết thật dài (hoặc ngắn) để diễn tả cái ý trong suy nghĩ, nhưng cuối cùng cái ý đó do viết quá dài thì thừa chữ cho vượt ý bài viết(và quá ngắn thì không đủ ý). Do đó quá trình viết thì sao cho không đủ lẫn cho việc không thừa lẫn thiếu ý, thành ra người viết, vừa suy nghĩ, vừa muốn nôn chữ ra – mà thực ra suy nghĩ là cực kỳ, không nôn thì đầu óc sẽ quá tải gây ra cơn đau đầu hay kiệt sức, mà viết thì cũng làm đầu óc kiệt duệ, trống rỗng, ít ra nó cũng giúp cho người viết thoát khỏi lòng vòng của cơn sóng biển suy nghĩ – vừa cẩn thận cho câu từ; dùng từ diễn tả đúng ý (mà thực ra nếu không sẽ gây cho người đọc vừa khó hiểu, vừa gây ra hiểu lầm, vừa khó chịu sai chính tả hoặc từ). Nếu không, dễ bị người đọc ruồng bỏ, hoặc không đọc hết vì không hiểu, hoặc khó chịu vì đã viết văn lại sai chính tả và từ ngữ thì có nên (đáng) viết hay không?
Đó là sự đánh giá tiêu cực dành cho người viết, đôi khi quá trình viết cần thời gian, cầu kỳ, kỹ lưỡng, ý tưởng và công sức, nếu không, bài viết sẽ rơi vào chốn không ai đọc, hoặc bị đánh giá là kẻ thích ưa thích hoa văn nhưng lại vẽ xấu, rồi người ta cũng chẳng có lần thứ hai để quay lại đọc, huống chi là tán dương cho người viết.
Kẻ viết này cũng hay gặp tình huống như vậy, là nhiều cơn suy nghĩ, viết ra chỉ để giải tỏa đầu óc, biến chúng thành dòng chữ trên trang giấy, nếu không, sự lan man của dòng suy nghĩ sẽ cướp mất đi sự tập trung dành cho các công việc khác, rồi đến sự khao khát viết – mà phần lớn kẻ viết này bị cảm giác hay một khía cạnh tâm linh nào đó đẩy, bắt ép viết, nó cứ như một thứ nhắc nhở, lờ đi thì dòng nghĩ cứ nghĩ về khoảnh khắc nặn chữ, viết ra rồi thì đầu óc trống rỗng, kiệt nhuệ, chẳng thể suy nghĩ gì thêm được cả – mà ít nhất nó cũng đem lại cho kẻ viết này một sự vui vẻ, hạnh phúc vì đã tống dòng suy nghĩ miên man vô tận, hết chuyện này sang chuyện khác, cứ như thế làm kẻ viết phải viết ra, nếu không, kẻ viết này sẽ chết vì suy nghĩ.
Thói quen viết
Thói quen viết của kẻ viết này
Nhưng nếu đã viết ra rồi, thì ta được gì? Không viết ra thì ta được gì? Đó là câu hỏi của mỗi người khi bắt đầu viết, mà mỗi người điều có lý do (hoặc tìm kiếm lý do để bắt đầu một thứ gì đó) để bắt đầu, nếu không, họ (kể cả kẻ viết này) cũng nản chí vì không có phần thưởng, không có bất kỳ gì cho quá trình dài đằng đẵng vô tận, hoặc quá trình viết đầu óc cứ hỏi; mi viết để làm gì? Để trở thành nhà văn hay tạo ra thói quen mới? Hay mi chỉ kiếm cớ để thoát khỏi ta?
Đấy, nó cứ lần quẩn suốt quá trình viết của kẻ viết này, cũng có thời gian, kẻ viết ngưng viết và đọc, chỉ để không còn kẻ suy nghĩ liên miên đặt câu hỏi, nhưng, rồi kẻ viết nhận ra rằng, phải viết, vì thế lực nào đó, cảm giác nào đó thôi thúc phải viết ra, thôi thúc càng lúc càng lớn, dòng suy nghĩ cứ lại nghĩ về nó, rồi kẻ viết lại bắt đầu viết và đọc lại, kể cả việc nó chẳng giúp gì cho kẻ viết phát triển bản thân và hoàn thiện hơn. Nhưng ít nhất nó cũng giúp cho kẻ viết nhận ra rằng khoảnh khắc viết là lúc ta nói lên những điều ta muốn nói – mà cuộc sống của kẻ viết thì chẳng có ai để nói, rồi năng lượng cần nói chẳng thể giải tỏa khiến cho dòng suy nghĩ càng lúc sản sinh ra nhiều hơn, nên đã chuyển biến năng lượng cần nói sang viết, cứ như thế, càng viết, kẻ viết này càng thỏa thích và mãn nguyện, sản sinh ra việc viết nhiều hơn – viết về các khoảnh khắc mà kẻ viết có thể nảy sinh ý tưởng nhiều hơn.
Rồi dần kẻ viết có thói quen viết, như một thói quen không thể từ bỏ, rồi mới có nhu cầu viết blog, để đăng lên những bài viết và chia sẻ đến mọi người, dù cho chẳng ai thèm đọc, chẳng có lượt xem nào xuyên suốt mở blog tới bây giờ, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này – dù chẳng ai buồn đọc cả – là kẻ viết chỉ cần viết, không đánh vào nhu cầu của người khác, đây chính là nguyên do bài viết của kẻ viết chẳng có view, chẳng có lượt theo dõi nào cho blog. Đôi khi chính kẻ viết cũng nản lòng, nhưng đó không phải là phần thưởng cho kẻ viết, nếu giả sử phần thưởng của kẻ viết là lời tán dương, nằm trong top view nhất nhì, sẽ tới lúc nào đó, kẻ viết sẽ đánh mất chính bản thân và chạy theo thị hiếu của người đọc thay vì kẻ viết, cứ như thế phải ra bài viết hàng tuần (dù cho kẻ viết bí ý tưởng, kiệt sức viết, mệt mỏi hay không còn nhu cầu viết nữa), nếu không kẻ viết sẽ thành một con người chạy theo số đông, phải đáp ứng đám đông nếu không kẻ viết sẽ xuống bờ vực chẳng còn ai tán dương và khen thưởng bằng lời nói cho kẻ viết.
Chính vì vậy, kẻ viết này chỉ mong viết ra và tạo ra thói quen viết, do nhu cầu và mong muốn, khát khao viết ra mà thôi.
Chỉ cần viết là được
Bạn chỉ cần tạo ra thói quen viết mỗi ngày, chắc chắn rằng sẽ tạo ra sức bền cho bộ não, nói không ngoa là viết như một thứ rèn luyện trí não, tựa như giải toán học sẽ giúp tư duy nhiều hơn, còn viết sẽ giúp suy nghĩ cứng và rộng mở hơn, vốn từ nhiều và có thể giúp cho việc nói lưu loát hơn (dĩ nhiên việc nói lưu loát khác với việc viết nhưng nó cũng không hẳn không liên quan tới nhau). Dĩ nhiên việc tạo ra thói quen mới khó lòng kéo dài lâu, nhưng hãy đơn giản hơn là chỉ cần viết là được, dù ít hay nhiều, dù dở hoặc hay đi nữa thì nó không quan trọng nặn ra chữ viết trên tờ giấy.
Nhìn chung, viết chỉ là thói quen là được
Hầu như, kẻ viết này ngoài việc đọc truyện, xem phim ra thì ít có nhu cầu gì khác, mà trước đây kẻ viết này cũng khá là đam mê chơi game, nhưng về sau, càng lớn càng lúc chán game, rồi dần rơi vào công việc và đọc sách, khoảng thời gian cũng dần thu hẹp lại, rồi lại có biến cố xảy lại thêm việc suy nghĩ quá nhiều và ít có thói quen tốt nào nên kẻ viết này đã quyết định sẽ chọn một giải pháp thay thế là tạo thói quen cho bản thân. Nhưng nó là gì mói được?
Ban đầu kẻ viết này muốn dịch truyện, nhưng trông thấy rằng dịch truyện thì cần kiến thức và biên dịch thì cần rất nhiều thời gian nhưng kẻ viết này thì không đủ kiên nhẫn, đành phải ngậm ngùi chuyển sang hướng khác, thế rồi kẻ viết đành tập gym, nhưng nó chỉ rèn luyện thân thể, lại phải gác lại, thế rồi sau khi đọc hàng đống quyển sách, kẻ viết này quyết định sáng tác, nhưng sau khoảng thời gian viết, kẻ viết này không thể viết truyện nào ra hồn nên cũng đành bỏ.
Tuy nhiên, quá trình viết lại nảy sinh ra vấn đề khác, đó là có thể giải quyết được dòng suy nghĩ tiêu cực, có thể bớt bớt và rặn chữ rất nhiều, khiến cho kẻ viết này khoái trá và tự đắc trong tương lai nào đó sẽ là một nhà văn (hoặc là một blogger) nhưng đó là chuyện tương lai, thực tại là kẻ viết này vẫn vậy, đang tự bắt buộc phải rặn chữ, viết ra, cho khỏi buồn chán, và nhận ra rằng nhu cầu viết càng ngày càng cao hơn rất nhiều. Cũng kể từ đó kẻ viết biết rằng càng viết là càng thoát ly ra khỏi dòng suy nghĩ và biến dòng suy nghĩ thành con chữ.
Nên kẻ viết này quyết định sẽ viết ra dù có trở thành nhà văn hay blogger hoặc chẳng xảy ra gì trong hai nhưng ít nhất kẻ viết này có thể tạo ra thói quen, thế là kẻ viết này có thói quen tốt thay vì lao đầu vào làm những chuyện chẳng tốt lành gì cả.
Liệu rằng viết có giúp hoặc thay đổi bản thân hay không?
Kẻ viết này không dám khẳng định cho việc thay đổi, tuy nhiên kẻ viết này cũng đã nói ở trên, ít nhất cũng tăng khả năng chịu đựng của bộ não – dĩ nhiên nó phải song hành với việc đọc sách, bởi ít nhất viết và đọc có liên quan đến mật thiết với nhau, như kẻ song sinh gắn liền thân xác – và tăng khả năng sử dụng ngôn từ, lựa chọn từ khi giao tiếp. Nhưng khi bạn đã viết hết, là một khoảng trống vô tận trong đầu óc, bạn sẽ chẳng muốn làm gì hơn là nghỉ ngơi, hoặc là ngủ để đầu óc có thể phục hồi khoảng suy nghĩ đã bị cướp từ từ ngữ.
Thật ra mà nói, viết có thể sẽ khiến cho bạn một áp lực, nặn chữ, đồng thời cảm giác nản chí khi viết nhưng lại không biết viết gì, kẻ viết từng có thời gian như vậy nên thông cảm với bạn khi bắt đầu viết ra dòng chữ sau khi đã đọc lợi ích từ việc viết, nhưng lợi ích viết khác với việc tạo dựng thói quen, tạo dựng lợi ích cho bản thân, viết đơn giản hơn là khát khao viết, thoát khỏi thực tại bên ngoài, hướng vào bên trong nội tại thay vì ngoại tại, hoặc đơn giản nữa là viết ra những gì đã không thể thực hiện bởi suy nghĩ.
Dòng suy nghĩ là vũ khí giết chết nội tại, đào mòn đầu óc của mỗi người, miên man trong từng đêm mất ngủ, hay trong giấc mơ, phải viết ra để không còn suy nghĩ trong đầu cứ mãi xoay vòng về một chủ đề, hay nói cách khác viết là thứ thay thế cho căn bệnh suy nghĩ kinh niên và nội tại bất ổn.
Mọi thứ cứ như thế, ít nhiều, quá tải của bộ não là thứ ta cần phải làm, nhưng để giảm tải tránh stress thì có nhiều biện pháp mà mỗi người có cách làm khác nhau, nhưng viết để nâng cao tránh đầy bộ não là cần phải làm, nếu không, nó sẽ chẳng khác nào lúc nào cũng đầy, stress nặng hơn mà thôi.
Cuối cùng
Kẻ viết này trong quá trình viết, nhận ra đặc điểm, những giai đoạn khó khăn, nhận ra điểm lợi ích của viết rồi viết ra những từ ngữ này cho mọi người, không phải kẻ viết này dạy đời cho những kẻ muốn theo đuổi viết hoặc nghiệp viết, đó là phạm trù khác so với mục đích bài viết này.
Kẻ viết này biết rằng sẽ chẳng có mấy ai quan tâm đến, như các bài viết khác trong blog TTBT này, cũng chẳng có gì ngoài việc kẻ viết thích viết và chỉ viết ra những kinh nghiệm mà kẻ viết này có. Mong rằng, bài viết này có thể hữu dụng, hoặc không hữu dụng cho người đọc.