Cuốn sách hay nhất của năm 2018 – How Proust can change your life của Alain de Botton
Nếu như Leo Tolstoy được coi là nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 19 thì Marcel Proust là nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 20. Proust và Freud là hai người có ảnh hưởng nhất đối với các nhà văn lớn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Tác phẩm : “Đi tìm thời gian đã mất” của ông đứng ở nhóm đầu trong những cuộc bình chọn những cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại. Marcel Proust nổi tiếng là nhà văn có tác phẩm được nhiều người biết đến nhất và ít được đọc nhất. Lý do là vì tác phẩm của ông quá dài. Em trai Proust nói: “Chỉ khi nào lâm bệnh nặng hoặc gãy một chân thì người ta mới đọc “Đi tìm thời gian đã mất”. Một nữ độc giả sau ba năm nghiền ngẫm sách của ông thì viết thư rằng “Tôi không hiểu gì, tuyệt đối không hiểu gì. Marcel Proust thân mến, hãy thôi làm một kẻ màu mè và trở lại mặt đất”. Hay một người bạn biên tập của ông cũng nói “Bạn quý, hãy thứ lỗi cho đầu óc tăm tối của tôi. Nhưng tôi không thể hiểu được tại sao có người cần tới ba mươi trang sách để mô tả anh ta đã trằn trọc, trăn trở trên giường thế nào trước khi ngủ”. Thậm chí người ta còn tổ chức “Cuộc thi tóm tắt Proust toàn nước Anh”, đủ cho thấy sức thu hút cũng như sự khó nhằn từ các tác phẩm của ông. Nếu vào các trang chuyên về sách gõ vào đó chữ Marcel Proust, bạn sẽ thấy hiện ra các tác phẩm của ông (đương nhiên) và rất nhiều tác phẩm viết về ông và các tác phẩm của ông (nhóm sau nhiều hơn nhóm trước rất nhiều). Thật may mắn là chúng ta có thể tiếp cận và học hỏi từ sự uyên thâm của Proust qua các tác giả khác, họ đọc, họ chiêm nghiệm và chắt lọc cho chúng ta những bài học quý giá. Hoàng tử Alain de Botton với cuốn sách “How Proust can change your life” có lẽ là cuốn số một trong nhóm sách này. Thật sự khi viết những dòng này trong mình tràn ngập một sự biết ơn, mà không rõ là biết ơn Proust nhiều hơn hay Alain de Botton nhiều hơn nữa. Cuốn “How Proust can change your life” hay “Proust có thể thay đổi cuộc đời bạn như thế nào” là cuốn sách hay nhất mà mình đã đọc năm 2018. Cuộc sống, đúng như mẹ tự nhiên đã tạo nên, là một hành trình có ngày và có đêm. Có những khi mình như đang đi dưới ánh mặt trời rực rỡ, mọi việc đều tuyệt vời và mình tự tin vào bản thân. Và có những thời điểm mình biết là cuộc sống mình đã từng sống bấy lâu đã qua và mình hoàn toàn không biết là mình đang sắp trở thành một người như thế nào. Mình nghiện mua sách, đọc sách và rồi tự hỏi: Những kiến thức này sẽ đưa ta đi về đâu? Mình gặp gỡ mọi người, kết bạn rồi tự hỏi: những mối quan hệ này sẽ thế nào? Liệu nó có chết dần như những tình bạn mà mấy năm trước mình tưởng như sẽ kéo dài mãi mãi hay không? Cuộc sống diễn ra nhanh quá, muốn sống chậm lại, nhưng bản chất việc sống chậm lại là gì? thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật như thế nào? Làm sao để tìm ra niềm vui từ một miếng bánh quy và một tách cà phê nhỏ (mà không cần phải chụp hình và post lên face) Và Proust cùng de Botton đã đến bên mình vào những lúc như thế. Thật sự là một cuốn sách không thể bỏ qua. Mình chỉ xin tóm tắt một vài điều tâm đắc nhất dưới đây.
1. Đọc sách
Proust nhắc nhở ta rằng “ Ta không khỏi gán cho nữ nhân vật chính của một cuốn tiểu thuyết những phẩm chất của người ta yêu”. Ông chỉ ra một thực tế rằng mỗi khi ta đọc sách thì đó chính quá trình tìm về bản ngã của mình. Tác phẩm văn học là một lăng kính giúp người đọc chiêm nghiệm những điều mà nếu không có cuốn sách thì sẽ không bao giờ nghiệm thấy ở bản thân. (Nếu đọc đến đây bạn đang vỗi đùi thì chính là tôi luôn như vậy J ) Bạn thân mến, nếu bạn thấy từng thấy mình thổn thức với nhân vật nữ chính, đắng lòng với nhân vật nam chính, hay đôi khi đóng cuốn sách lại với một quyết tâm rằng mình sẽ làm như nhân vật ấy, hay không làm như nhân vật ấy, thì chúng ta là cùng hội cùng thuyền. Và vì sao ta lại muốn đọc về chính mình mãi như vậy? Proust đưa ra một số câu trả lời như sau : (1) tìm kiếm sự thân thuộc để bám víu vào niềm tin ở bản tính con người; (2) có người chia sẻ cảm xúc với mình, chữa lành sự cô đơn (3) Có người mô tả một cách chi tiết nhất, rõ ràng nhất, đến mức có thể chạm thấy những suy nghĩ, cảm xúc mà có khi tự chúng ta cũng chẳng biết phải tả như thế nào, tức có người “nói hộ nỗi lòng” vậy.
Tuy vậy Proust cũng khuyến cáo rằng khi chúng ta tâm đắc với một cuốn sách, đó là sự mở đầu của một quá trình nhận thức, và thường đó là thời điểm cuốn sách đóng lại. Chúng ta tìm kiếm một câu trả lời nhưng thực ra cái chúng ta có được là sự khuấy động một khao khát muốn hiểu biết thêm. Đó chính là cái bẫy nguy hiểm bởi sách có thể đưa ta vào ngưỡng cửa đời sống tinh thần của chính mình, chứ không thể cấu thành nên đời sống ấy. Có nghĩa là cái kết của một cuốn sách, cho dù sâu sắc đến đâu cũng chỉ là sự khởi đầu của một quá trình tư duy và chúng ta đừng bao giờ phó mặc nhiệm vụ diễn giải cuộc đời, hay hiểu về chính mình cho những cuốn sách mà mất dần năng lực chiêm nghiệm, đánh giá độc lập vốn có trong mỗi người, và công cụ để làm việc này chính là kinh nghiệm sống gần như là duy nhất ở mỗi cá nhân. “Việc đọc trở nên nguy hại khi thay vì nhắc ta khám phá đời sống tinh thần của chính mình nó lại chiếm lấy chỗ ấy. Khi đó chân lý với ta không phải là lý tưởng đạt được qua quá trình suy nghĩ độc lập của trí óc và nỗ lực của trái tim mà chỉ là một thứ gì đó giống như hũ mật ong trên kệ, chỉ cần lấy xuống và nếm thử một cách thụ động, trong sự nghỉ ngơi hoàn toàn của tâm trí và cơ thể”. Và như vậy có nghĩa là, những cuốn sách tuyệt nhất cũng có có lúc cần phải gạt sang một bên.
2. Tình bạn
Quả thật trước khi đọc cuốn này mình cũng ở thế hoang mang rằng mình nên như thế nào trong các mối quan hệ bạn bè. Và đâu đó đã cảm nhận rằng hình như tình bạn không phải là nơi thể hiện TRỌN VẸN con người thật của mình. Đến khi đọc cuốn này thì thấy Proust cho rằng tình bạn không phải là nơi để ta làm cho rõ đến ngọn nghành chân lý mà mình quan tâm một cách vị kỷ, rằng nó cũng không phải là nơi bạn có thể là chính mình, một cách trọn vẹn và không có gì phải dấu giếm. Mục đích của nó là sự ấm áp và tình cảm. Một kênh tương tác chính trong quan hệ bạn bè là các cuộc trò chuyện và Proust là một bậc thầy về trò chuyện. “Khi trò chuyện, ta không đơn thuần là đang nói nữa… ta nhào nặn bản thân cho giống với người khác chứ không nặn ra một bản ngã khác biệt với họ”. Và Proust khuyên rằng hãy hướng vào suy nghĩ của người đối thoại chứ đừng quá chú trọng vào việc nói ra những gì mình nghĩ.
Và như vậy thì rõ ràng dù Proust khéo léo và lôi cuốn đến đâu, vẫn có những lời châm chích rằng cách hành xử của ông màu mè, dài dòng và khéo miệng. Thậm chí người ta dùng từ “Proustifier” để chỉ thái độ ân cần quá mức, màu mè và khéo mồm ấy. Dù vậy ta không thể bỏ qua thực tế rằng trong bất kỳ tình bạn nào cũng có lúc ta thiếu thành thực, phải thốt ra vài lời nói sáo rỗng. Một ví dụ là: Bạn gặp một người bạn mới có con. Cô ấy sẽ không thể ngừng nói về đứa con đáng yêu của mình và đến một lúc nào đó trong cuộc trò chuyện bạn sẽ phải nặn ra những nụ cười, những lời nói mà bạn cảm thấy nếu không làm vậy thì cô ấy sẽ rất buồn. Thực tế luôn có những người bạn cao ngạo nhưng hiểu biết, khoa trương nhưng cuốn hút, mồm hôi nhưng tốt bụng và thực tế dù ta chế diễu họ vì những điều trước thì ta vẫn quý họ về những điều sau, hay là ngược lại J
Proust so sánh giữa việc đọc và tình bạn: “Trong việc đọc, tình bạn được đưa về sự trong sáng ban đầu. Một cuốn sách không thể hiện sự hòa nhã giả bộ. Nếu ta dành cả buổi tối để đọc sách, thì đó là vì ta muốn thế thực lòng”
Vậy ta phải nghĩ sao đây về việc tình bạn nào cũng đòi hỏi một mức độ “thiếu thành thực” nhất định như vậy? Làm sao vừa giữ được tình cảm quý mến giữa hai người mà vẫn có thể bày tỏ bản thân một cách trung thực? Với Proust thì mưu cầu về tình cảm và mưu cầu về chân lý về bản chất là không thể dung hòa. Có nghĩa là đừng đòi hỏi quá nhiều ở bạn mình. Tình bạn là để có vài giờ café, chat chít, một buổi tụ tập vui vẻ, cùng thảo luận về một vấn đề quan tâm chung chứ không phải là để ta khám phá bản thân, hay giúp bạn khám phá bản thân. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng sự phân định đó khiến ông vừa là người bạn tốt, trung thành và lôi cuốn và vừa một nhà tư tưởng trung thực, sâu sắc và ít đa cảm hơn. Thực ra tác giả không đi đến cực đoan rằng bất kỳ tình bạn nào cũng chỉ nên dừng ở một vài tách cà phê hay vài giờ chat chít, cơ bản là đừng coi tình bạn (hay tình yêu) là nơi để ta cứ thoải mái thể hiện chính mình, mà không quan tâm đến điều người kia đang nghĩ. Việc tránh nói về bản thân không phải vì nó không quan trọng, mà vì nó quan trọng nên không thể giao phó cho một cuộc trò chuyện tình cờ và hời hợt. Còn tất nhiên, cá nhân mình tin rằng khi cả hai bên đều sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu và chấp nhận lẫn nhau một cách khách quan nhất, thì không có lý gì lại không có một cuộc trò truyện sâu sắc và và thấu suốt cả.
Trên đây là hai nội dung mình tâm đắc nhất, cuốn sách còn có những chương khác như: làm sao để sống thong dong, làm sao để đau khổ, bộc lộ cảm xúc như thế nào, làm sao để hạnh phúc trong tình yêu… Cá nhân mình thấy rất hay và tâm đắc. Đây không phải là cuốn sách dễ đọc, mặc dù các chương đều đặt tên theo cách rất là “mì ăn liền” : làm sao? Thế nhưng dành nhiều thời gian hơn bình thường một chút cho những điêù quá quan trọng với cuộc sống như trên có lẽ cũng không phải là lãng phí, nhỉ?
Đề xuất bài viết cho bạn
Like
0%
Dislike
0%
Cám ơn
0%
Đánh giá cao
0%
Phấn Chấn
0%
Tức Giận
0%
Tức muốn bắn
0%
Buồn
0%
Khóc
0%
Ngầu
0%
Quỷ Dữ
0%
Nhảm nhí
0%
Comments