
Bố mẹ tôi nhận nuôi một bé trai đã chết
Kinh dị
Tôi tạo tài khoản này để chia sẻ câu chuyện của mình. Tiếng Anh của tôi không hoàn hảo lắm, nên thứ lỗi nếu tôi có phạm phải sai lầm gì. (EDIT: Tiếng Anh là ngôn ngữ chính ở Singapore nên tôi khá trôi chảy, nhưng tôi đang lo ngại về cách diễn đạt mạch truyện. Tôi chưa từng viết truyện trước đây.)
Tôi sống ở một quốc gia nhỏ vùng Đông Nam Á tên gọi Singapore. Vài năm trước, tôi đã chuyển đổi theo Cơ đốc giáo, nhưng bản thân vốn được nuôi lớn trong một gia đình nhà Phật như hầu hết những người Hoa ở Singapore. Dù bố mẹ tôi không hề nghiêm khắc với niềm tin của mình, họ vẫn lập một bàn thờ trong góc nhà và nhang khói thường xuyên.
Bố của tôi sở hữu một cơ sở nhỏ và việc kinh doanh diễn ra suôn sẻ suốt nhiều năm nay. Chúng tôi có cuộc sống thoải mái như mình mong muốn. Singapore là quốc gia với mức sống rất cao, nên giá cả mọi thứ đều đắt đỏ. Có thể sống thoải mái ở đây đúng thật là ân phước. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, công việc kinh doanh của bố tôi bắt đầu tuột dốc. Không hẳn là thảm hại, nhưng đủ khiến ông ấy bắt đầu lo lắng. Bạn của ông ấy kể cho ông nghe về Kumanthong – thứ mang đến may mắn và tiền tài cho người sở hữu.
Kumanthong (dịch sát nghĩa là Cậu bé hiến tế vàng) khá phổ biến trong tín ngưỡng Thái Lan và dù không phải là nghi lễ Phật giáo, nhiều người vẫn tin vào điều ấy. Kumanthong chánh tông bắt nguồn từ nghề gọi hồn. Theo Wikipedia (vì tôi chưa từng có chút ý niệm vào về nó), chúng được tạo thành bằng việc sấy khô thai nhi chết trong bụng mẹ. Các thầy cúng được cho là có khả năng gọi hồn những đứa trẻ chưa từng được sinh ra, nhận chúng làm con và sử dụng chúng phục vụ cho mong muốn của bản thân.
Để tạo ra Kumanthong, đứa trẻ chết trong bụng mẹ phải được mổ lấy ra từ tử cung. Cơ thể ấy sẽ được đưa đến nghĩa trang để thực hiện nghi lễ triệu hồi Kumanthong. Sau đó, cơ thể thai nhi được sấy khô trong lúc thầy cúng đọc thần chú. Khi nghi lễ hoàn tất, thai nhi sấy khô được sơn bằng Ya Lak (một loại sơn mài dùng để phủ bùa hộ mệnh) và gói trong lá vàng. Do đó nó có tên là “Cậu bé vàng.”
Một số Kumanthong được nhúng trong Nam Man Phrai, một loại dầu chiết xuất bằng cách đốt nến gần cằm của một đứa trẻ đã chết, hay của những người bị đột tử/chết trong các tai nạn thảm khốc. Việc thu thập dầu ngày nay ít phổ biến hơn vì dùng mỡ trẻ em làm dầu bị xem là trái pháp luật. Thỉnh thoảng, vẫn có những bùa hộ mệnh được tạo thành từ các phương pháp chánh tông. Việc chúng “chánh tông” thế nào, tôi không hề biết được.
Ngày nay, Kumanthong được tạo nên bởi các nhà sư hay các linh mục quái ác, chế tác từ xương, tóc và tro cốt của đứa trẻ. Một số chúng có thể tìm thấy ở chợ đen từ những ca phá thai gần đấy.
Dù sao thì, bạn của bố tôi đề cập Kumanthong hữu ích thế nào với việc thăng tiến và công việc của ông ta. Ông ấy kể về Kunmanthong của mình bằng niềm tôn kính và tin rằng linh hồn cậu bé đó đã mang lại tiền tại cho ông. Bố tôi cảm thấy vô cùng hứng thú và muốn tìm một cách dễ dàng để vượt qua khó khăn, nên đã tìm đến chùa Thái và thỉnh một Kumanthong từ một nhà sư.
Lần đầu tiên bố mang Kumanthong về trình diện, tôi vẫn cứ vô tư. Mẹ tôi chấp nhận khá dễ dàng vì bà cũng từng nghe nhiều điều tốt về nó. Vào lúc ấy, tôi chưa từng có hiểu biết về thứ này, và cho rằng nó tương tự như những tượng Phật trên bàn thờ nhà mình. Bố bảo tôi rằng Kumanthong rất khác biệt, và mọi người cần đối đãi nó như thành viên trong gia đình. Ông ấy còn bảo rằng thỉnh Kumanthong về còn giúp linh hồn đầu thai và thác sanh qua lòng tốt của mình. Tôi không hiểu về điều đó lắm, nhưng có vẻ như điều này liên quan đến nghiệp chướng và tích góp công đức của bạn với Kumanthong.
Kumanthong là một bức tượng của một đứa trẻ chập chững tầm 3 tuổi. Bức tượng có màu tối, xám mờ, nhưng quần và trang sức (như vòng tay, dây buộc tóc, vòng đeo cổ) đều được sơn vàng. Chữ viết tiếng Thái phủ khắp cánh tay và lưng bức tượng. Cậu bé ngồi chéo chân và bắt chéo tay trước ngực. Khi thỉnh Kumanthong về, bố mẹ tôi làm một bàn thờ nhỏ đặt cạnh gian thờ lớn trước đó. Vì cậu ta phải được đối đãi như khi còn sống, bố mẹ tôi đặt nhiều thứ đồ trên bàn thờ, những vật mà bọn trẻ lúc mới chập chững luôn yêu thích. Họ mua núm vú giả, bánh kẹo, nước ngọt và đồ chơi, thậm chí còn đặt cho cậu bé một cái tên. “Di di” – nghĩa là “em trai bé nhỏ” trong tiếng Hoa – là tên họ gọi cậu ấy. Mỗi bữa ăn, mẹ tôi luôn dọn riêng một tô thức ăn và gọi Kumanthong vào dùng bữa. Đôi khi bố nhờ tôi “chơi” với cậu ta bằng cách lăn xe đồ chơi trước bàn thờ. Họ thực sự đối đãi với cậu ấy như một đứa con trai.
Thật lòng thì, tôi không nghĩ nhiều về chuyện ấy lắm. Tôi lớn lên trong gia đình bày trí nhiều tượng phật vây quanh, nên bản thân cũng đã quen với việc này. Ngay cả khi đã chuyển sang đạo Cơ đốc giáo, tôi cũng không thể ép buộc nó lên gia đình mình, hay bảo rằng những việc họ đang làm là sai trái. Việc chuyển đạo là quyết định của riêng tôi và bố mẹ tôi tôn trọng điều ấy. Để đáp lại, tôi phải tôn trọng tín ngưỡng của họ và giúp đỡ hết sức mình. Họ là người lớn, nên họ hiểu những việc bản thân đang làm.
Không có chuyện gì đáng chú ý xảy ra kể từ tuần trước. Bố tôi bảo rằng việc kinh doanh đang có dấu hiệu khởi sắc. Ông ấy quy kết mọi việc suôn sẻ là nhờ Kumanthong. Tôi không muốn đập vỡ hy vọng của bố mẹ mình bằng cách nói rằng đó chỉ là hiệu ứng giả dược, nên đành im lặng và để họ tin vào điều họ muốn.
Mặc dù tôi giúp bố mẹ mình “chăm sóc” cậu bé, tôi chưa từng tin vào điều ấy. Tuy nhiên, vài thứ quái dị xảy ra với tôi hôm qua và tôi không chắc mình phải nghĩ thế nào về chuyện đó. Vì đang là kỳ nghỉ ở trường đại học, tôi nhận việc làm thêm để kiếm ít tiền tiêu vặt. Bình thường tôi phải dậy lúc 6 giờ 45 để sửa soạn ra khỏi nhà. Tôi mất một giờ để đến chỗ làm, nên mặc định tôi phải rời đi lúc 7 giờ 30. Nhưng, vì mệt mỏi tôi đã “vô tình” tắt báo thức điện thoại. Khi nói về “vô tình”, ý tôi là cố tình trong vô thức. Bạn chắc đã quen với điện thoại của mình và biết cách ấn nút để tắt chuông hẹn giờ trong vô thức? Yeah, đó chính là việc tôi đã làm. Tôi lại chìm vào giấc nồng, không hề nhận ra đã là 7 giờ sáng. Trong giấc mơ, tôi cảm thấy ai đó kéo chân mình, nên tôi rút nó về theo phản xạ và không nghĩ ngợi gì nhiều. Chân tôi lại bị kéo một lần nữa. Không phải là lôi mạnh bạo ra khỏi giường như trong phim kinh dị đâu. Chỉ là một cú giật nhẹ. “Dừng ngay đi,” tôi lầm bầm trong cơn ngáy ngủ rồi xoay mặt sang hướng bên kia.
“Jie jie (“Tỷ tỷ” trong tiếng Hoa), đến giờ dậy rồi.” Một giọng nói nhẹ nhàng truyền vào tai tôi. Ngay khi nghe thấy, mắt tôi mở toang và tôi nhìn quẩn quanh phòng mình. Tôi là con một và không có anh chị em gì cả, nên tôi cảm thấy cực kỳ sợ hãi khi nghe tiếng một bé trai văng vẳng bên tai. Tôi không chắc đó chỉ là những nghĩ suy trong tâm trí hay tôi đã thực sự nghe tiếng ai đó trong phòng.
Trước khi rời khỏi nhà, tôi bước ngang qua bàn thờ chỗ hành lan, mắt liếc nhanh qua chỗ Kumanthong. Tôi thề rằng gương mặt vô cảm thường khi của cậu bé vừa nở nhẹ một nụ cười.
Hôm ấy tôi đến chỗ làm kịp lúc.
Hôm nay tôi được nghỉ, nên tôi quyết định viết câu chuyện này ra chia sẻ cùng các bạn. Tôi vẫn không chắc phải lý giải biến cố này thế nào. Mọi nghĩ suy trong tôi bảo rằng thứ tạo ra bởi những việc xấu cùng cực không thể là một linh hồn tốt. Cho đến giờ này, Kumanthong vẫn mang đến may mắn cho gia đình tôi, nhưng chỉ mới một tuần bố tôi mang cậu ta về nhà thôi. Các bạn thì sao? Có ai từng trải nghiệm về Kumanthong có thể kể thêm cho tôi biết với?
Tôi sẽ cập nhật thêm nếu có điều gì đó xảy ra.
Blog: Thị Trấn Buồn Tênh
Facebook: Thị Trấn Buồn Tênh
Các liên kết nội bộ
Tham gia group Thị Trấn Buồn Tênh nhé.Hướng dẫn bình luận review cho bài viết
Hướng Dẫn Tạo Bài Viết Review/Bảng Đánh Giá Cho Bài Viêt
Diễn đàn của website, rất mong mọi người tham gia và góp ý cho website nhé.
Tuyển Cộng Tác Viên
Thư Viện Ebook